Năm 2010, kinh tế thành phố Đà Nẵng đã có chuyển biến tích cực với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tạo đà cho chặng đường phát triển mới.
Dấu ấn tăng trưởng và chuyển dịch kinh tế
Dấu ấn tăng trưởng và chuyển dịch kinh tế
Kinh tế Đà Nẵng năm 2010 đã đạt tổng sản phẩm nội địa 12,6%. Mũi nhọn kinh tế dịch vụ có nhiều khởi sắc, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước 9.630 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và ước tăng 15% so với cùng kỳ năm 2009. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 1.219 triệu USD, bằng 100,3% kế hoạch, tăng 35,2% so cùng kỳ 2009.
Năm 2010 là năm thành công của du lịch Đà Nẵng với tổng lượt khách du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 1.770.000 lượt người, tăng 33% so với năm 2009 và đạt 122% kế hoạch năm; trong đó có 370.000 lượt khách quốc tế, tăng 18% so với năm 2009 và đạt 106% kế hoạch; 1.400.000 lượt khách nội địa, tăng 38% so với năm 2009 và đạt 127% kế hoạch. Tổng doanh thu chuyên ngành du lịch năm 2010 ước đạt 1.239 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2009 và đạt 122% kế hoạch. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch trong năm 2010 ước đạt 3.097 tỷ đồng. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch được chú trọng, đến nay thành phố có 55 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch (10 dự án đầu tư nước ngoài và 45 dự án đầu tư trong nước). Hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình, địa điểm du lịch lớn như: Bãi tắm Sao Biển; các khu du lịch: Silvershore Hoàng Đạt, Life resort, sân golf 18 lỗ tại Hòa Hải, điểm dừng chân du lịch Nam đèo Hải Vân...
Hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp khởi sắc do nhận được nhiều đơn hàng sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2010 ước đạt 16.715 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 19,6% so với năm 2009, trong đó giá trị xây dựng ước tăng 31,9%; công nghiệp ước tăng 16,6%; gồm: công nghiệp trung ương tăng 8,8%; công nghiệp địa phương tăng 19,7% (dân doanh tăng 19,9%); công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31,5%.
Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục phát huy hiệu quả. Tính đến cuối năm 2010, thành phố có 186 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 2,72 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện ước đạt 1,39 tỷ USD, chiếm 51,1% tổng vốn đầu tư với 100 doanh nghiệp FDI đã đi vào hoạt động. Doanh thu các doanh nghiệp FDI ước đạt 350 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 232 triệu USD, tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 120 triệu USD, tăng 33%; quy mô nộp ngân sách ước đạt 15,8 triệu USD.
Việc triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản chú trọng đầu tư có trọng điểm, điều hành một cách linh hoạt, quy mô hợp lý và nâng cao hiệu quả đầu tư... Ước giá trị khối lượng thực hiện năm 2010 đạt trên 7.050 tỷ đồng, giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt 6.406 tỷ đồng, bằng 112,6% kế hoạch, trong đó vốn trong nước ước đạt 6.256 tỷ đồng, bằng 112,9% kế hoạch, vốn nước ngoài ước đạt 150 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch. Có 237 công trình, dự án đã được phê duyệt với số tiền 4.967 tỷ đồng, qua đấu thầu đã tiết kiệm 24,5 tỷ đồng (3%) cho ngân sách Nhà nước. Thẩm tra trình duyệt trên 267 đồ án quy hoạch, ưu tiên các đồ án liên quan đến tái định cư, kêu gọi đầu tư, đặc biệt tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án tái định cư để có đất bố trí cho các hộ giải tỏa di dời thuộc các dự án trọng điểm.
Tạo sự khác biệt về hiệu quả phát triển kinh tế
Điểm nhấn cho đầu tư phát triển kinh tế thành phố là sự kiện Khu công nghệ cao Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập. Đây là khu công nghệ cao thứ ba của Việt Nam, với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Khu công nghệ cao Đà Nẵng có chức năng nghiên cứu, ươm tạo, phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nhân lực, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm. Khu công nghệ cao Đà Nẵng phải dành trên 50% diện tích cho xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đào tạo nhân lực, sản xuất sản phẩm công nghệ cao... Do đó, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới 2011-2015, thành phố sẽ thúc đẩy phát triển nhanh các ngành dịch vụ có lợi thế đi đôi với nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, từng bước nâng cao tỷ trọng trong cơ cấu GDP, tăng cường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Kinh tế du lịch sẽ có bước đột phá với việc tiếp tục xây dựng đô thị du lịch ven biển hiện đại, đầu tư phát triển và xã hội hóa hạ tầng du lịch, thương mại để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thương mại giữ vị trí trung tâm mua sắm của khu vực. Đối với ngành công nghiệp sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sản xuất lớn, góp phần tạo tăng trưởng chung cho năm 2011 và các năm sau. Đặc biệt, khuyến khích phát triển sản xuất, phát huy công suất các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2010 như dự án Nhà máy Dệt-may ITG-Phong Phú của Công ty TNHH ITG-Phong Phú với tổng vốn đầu tư 990 tỷ đồng và công suất đạt 10 triệu mét vải/năm, 2-3 triệu sản phẩm may/năm.
Ngoài ra có các dự án như Nhà máy Sản xuất cáp điện tàu thủy của Công ty Xây lắp và công nghiệp tàu thủy miền Trung với tổng mức đầu tư đạt 287 tỷ đồng và công suất đạt 8.000 tấn/năm, Nhà máy Thép cao cấp Thái Bình Dương với tổng mức đầu tư 294 tỷ đồng và công suất đạt 300.000 tấn/năm, Nhà máy sản xuất thuốc Đông dược của Danapha... Phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh.
Theo đó, thành phố ưu tiên các ngành, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế so sánh như đồ điện tử gia dụng và các loại máy móc liên quan đến công nghiệp điện tử.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG