Khi tiết trời vào đông, trên các con đường nội đô Đà Nẵng xuất hiện nhiều xe hàng rong bán khoai lang nướng. Tiếng rao đêm cùng với hương vị đặc trưng của khoai lang khi đã sém cháy trên lửa than hồng phả vào không khí, đánh thức trong sống mũi người qua đường. Nhiều người vẫn gọi vui người bán khoai nướng dạo ấy với mỹ từ: Những người chở hồn quê ra phố!
Khoai lang nướng được bán khắp các con đường trong thành phố. |
Trên dọc các đường Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, Nguyễn Tri Phương…, mới buổi chiều tà, đèn phố chưa kịp sáng thì đã có rải rác những chiếc xe hàng di động rảo tìm chỗ đứng trên dọc vỉa hè để chong đèn bán khoai. Ghé lại một chiếc xe di động dừng bên vỉa hè đường Điện Biên Phủ, nhìn chị bán hàng cũng trong bộ áo quần “đẫm chất quê” xởi lởi mời hàng: “Mua khoai đi anh chị, mua ăn cho nhớ hương vị quê nhà, có no béo gì đâu”.
Dường như đánh đúng vào tâm lý của kẻ xa quê, chúng tôi không cưỡng lại được cái hương vị đẫm hồn quê ấy. Chị chủ hàng tên Hoài, quê ở Hà Tây (cũ) cho biết, khoai này được nhập từ miền Nam về, chủ yếu là ở thành phố Hồ Chí Minh ra và Đà Lạt xuống, mỗi kilôgam khoai sống có giá 10.000 đồng, đem nướng lên bán cho khách hàng đi đường với giá 25.000 đồng/kg. Với giá ấy không phải là rẻ, tuy nhiên, như cách giải thích của chị bán hàng rằng: “Than bây giờ cũng lên 7.000 đồng/kg rồi anh ơi, với lại ở phố, khoai lang nướng chỉ là thứ quà quê là chính”.
Chị Hoài theo nghề bán dạo đêm đã hơn 3 năm nay, cũng đã hơn 2 năm chị đi bán khoai nướng. Khoai nướng bắt đầu bán trên các con phố khi trời vừa sang đông, với mùi vị và làn khói than tạo ra một hấp lực rất lớn đối với người qua đường, đánh thức người ở xa quê những nỗi nhớ nhà và quê cảnh. Chị Hoài cho biết, ban đầu vào đây lập nghiệp theo lời mách bảo của người nhà (cũng làm nghề bán hàng dạo ở thành phố Hồ Chí Minh), chị sắm chiếc xe ba bánh di động và bán hàng dạo. Mùa nào thức nấy, mùa hè bán bắp xào, bắp rang; mùa đông bán hạt dẻ rang, khoai lang nướng. Đa số đó là thức hàng quà vặt.
Theo chị, so với các loại quà khác thì khoai lang nướng mang tính đặc trưng hơn, đẫm chất quê nhà hơn. Dân mình phần lớn đều ở quê ra thành phố làm ăn, có người nhiều năm, có người ít năm, lâu dần quên mất quê nhà bây giờ là vụ gì, mùa thức gì. Nên khi chọn loại hàng bán dạo cũng phải tính toán xem sẽ “đánh trúng” vào thị hiếu của người mua bằng những thức quà gì để bảo đảm đắt hàng. Và như cách nói vui của nhiều người: Bán khoai lang nướng tức là bán hương quê cho người thành phố. Bởi mấy ai không phải từ quê ra phố mưu sinh, làm việc.
Để “chở hồn quê” ra với thành phố, người bán khoai lang nướng cũng phải chấp nhận cuộc sống… “đứng đường” theo đúng nghĩa của nó. Tức là phải bán dạo dọc theo các con đường lớn. Thời gian bán hàng cũng rất đặc biệt, thường là từ 17 giờ cho đến 24 giờ thì mới tàn than. Vất vả là thế nhưng mỗi đêm đắt hàng cũng chỉ kiếm lãi hơn trăm ngàn. “Biết là long đong thật đấy, nhưng bây giờ cuộc sống ở quê cũng nhiều khó khăn, ruộng vườn ngày càng hẹp lại, xa vợ, xa con ai muốn đâu, nhưng không đi làm xa thì biết sống bằng gì?”, anh em trai của chồng chị Hoài vừa đẩy xe đến chỗ chị dâu, gặp chúng tôi và chia sẻ. Bây giờ theo nghề bán khoai lang nướng tại Đà Nẵng cũng gặp không ít khó khăn bởi nhiều nguyên nhân.
Đó là nguồn nguyên liệu khan hiếm vì ảnh hưởng của thời tiết, bởi giá cả leo thang nên kéo theo giá thành nguyên liệu (khoai sống) tăng cao, buộc người bán cũng nâng giá khoai lang nướng lên nên khách hàng giảm. Trước đây bán khoai lang nướng ở Đà Nẵng cũng dễ dàng hơn bởi nguyên liệu mua trực tiếp từ chợ đầu mối Hòa Cường được nhập từ quê (Quảng Nam) ra. Nhưng năm nay mất mùa, giá thành tăng cao, chất lượng khoai cũng giảm nên họ phải nhập khoai từ miền Nam ra.
Dù khó khăn là thế nhưng bên cạnh việc mưu sinh, những người bán khoai lang nướng vẫn có niềm vui với cái nghề mà cũng chẳng phải là nghề này: “Dù người mua ít lại vì cơn bão giá tác động, nhưng bọn em vẫn có niềm vui vì thấy nhiều người khi ghé mua đều hỏi thăm rất chân thành. Thế mới biết cái hương vị quê hương dù rất mộc mạc như củ khoai nướng thôi, nhưng lại có sức lay động lòng người đến thế”. Chị em nhà chị Hoài thốt ra như vậy.
Trong muôn nẻo đường mưu sinh, kẻ giàu người nghèo ai cũng có những nỗi niềm riêng sâu lắng. Ai cũng có niềm vui nỗi buồn. Nhưng với những người như chị Hoài, anh A, hay bất kể là ai khác đêm đêm mùa đông rảo mình trên khắp nẻo đường thành phố để rao bán chút “hồn quê” cho người đi xa nhà đỡ nhớ, có người gọi họ là những người “chở hồn quê ra phố” thật cũng chẳng ngoa chút nào.
Bài và ảnh: Trọng Huy