.

Đìu hiu chứng khoán

.
“Thật khó để chọn mua cổ phiếu (CP) vào lúc này, bởi thị trường càng về cuối năm càng giảm. Cụ thể trong tuần qua, hầu hết loại CP đang niêm yết trên thị trường đều giảm điểm, tổng cộng có 232 CP có giá giao dịch bình quân giảm so với tuần trước, chiếm 65% số CP niêm yết trên thị trường, còn lại 13 CP đứng giá”, anh Tâm, một nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán trên sàn ACB buồn bã cho biết.
Mô tả ảnh.
Nhiều NĐT đã bị lỗ trong năm 2010.
Thị trường chứng khoán (TTCK) đang trải qua những tháng ngày thực sự khó khăn khi chỉ số VN-Index đang trên đà đi xuống, nhiều NĐT đã trở nên quá chán nản. Hiện cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index trên thị trường đều đi vào chu kỳ giảm chính. Chỉ số VN-Index đã phá vỡ khỏi vùng giao dịch 440-460 điểm và đang cho mục tiêu đáy hình thành tại mức 420 với chu kỳ giảm ngắn và 350-380 với chu kỳ giảm dài. Đây chính là lý do khiến các NĐT tháo chạy ra khỏi thị trường, vì cho rằng sự giảm điểm sẽ còn tiếp tục cho đến hết năm 2010. 

Trong khi TTCK đìu hiu, èo uột thì thị trường vàng và bất động sản lại sôi động làm cho các NĐT ngày càng thua lỗ, đó là tình trạng chung của nhiều NĐT nhỏ lẻ. “Chính vì thế, nhiều người đã sớm chuyển sang kênh đầu tư mới, một số khác lại chấp nhận án binh bất động, đợi thời cơ mới, hoặc bán tháo để chấp nhận cắt lỗ”, anh Tâm cho biết thêm. Và chính anh cũng đã chấp nhận lỗ khi không thể ngồi nhìn giá CP ngày càng đi xuống, cho dù nhiều nhận định từ các công ty chứng khoán cho rằng chỉ số chứng khoán sẽ tăng, do sắp tới có sự thay đổi trong thành phần các NĐT.
 
Nhìn chung, tâm lý bán khi thị trường hồi phục vẫn đang là xu hướng chủ đạo và thị trường vẫn đang nằm trong biên độ giảm trung hạn. Các yếu tố hỗ trợ về vĩ mô và dòng tiền vẫn chưa được khẳng định, vì vậy khả năng tăng điểm trong thời gian còn lại của năm 2010 được đánh giá vẫn mang yếu tố ngắn hạn nhất thời. Trong ngắn hạn, TTCK vẫn phải đối mặt với không ít yếu tố bất lợi như lãi suất cao, dự trữ ngoại tệ thấp, đồng nội tệ chịu sức ép mất giá thêm…
 
Đồng thời, CP Bluechips đã giảm mạnh trong những phiên gần đây khi thị trường giảm sâu đã tạo lực hút với rất nhiều NĐT, đặc biệt là khối ngoại. Trên cơ sở đó, xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa được khẳng định khi các yếu tố rủi ro vẫn tiềm ẩn khá cao. Đây là nhận định của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS). Về trung và dài hạn, SBS vẫn giữ nguyên quan điểm thị trường sẽ tiếp tục đi ngang trong xu hướng giảm điểm do yếu tố hạn chế của dòng tiền ở thời điểm từ đây đến cuối năm.

Nếu như năm ngoái, phần lớn các NĐT ăn Tết với tâm trạng phấn khởi vì cuối năm chỉ số chứng khoán lấy lại được đà tăng trưởng mạnh từ 235 điểm lên 600 điểm, thì năm nay không khí có phần trầm lắng hơn. Theo bà Trần Thị Thu Nga, một NĐT trên sàn SBS, 2010 được nhận định là năm mà TTCK sẽ không lặp lại được kỳ tích của năm 2009. Các NĐT hiện có nhiều cảm xúc khác nhau, buồn nhiều hơn vui bởi phần lớn trong số họ không lỗ ít thì lỗ nhiều.

Thực tế cho thấy, hiện tại ở các chi nhánh công ty giao dịch chứng khoán như: VDSC, FPT, APEC, VNDirect - PVFC, SBS, SeaBank, Thăng Long…, lượng khách đến giao dịch đã giảm hẳn. Nếu như trước đây, các NĐT thường tụ tập, phân tích thị trường ngay tại sàn giao dịch, thì hiện nay họ ở nhà và lên mạng là chủ yếu. Tính đến thời điểm này, thị trường vẫn đang dao động ở vùng đáy thấp nhất của năm 2010, từ đầu năm đến nay, thị trường chủ yếu là đi ngang và giảm điểm.
 
Mặt khác, xu hướng tăng ngày càng yếu dần trong năm 2010. Theo dõi các phiên giao dịch gần đây cho thấy, TTCK tiếp tục chịu tác động bất lợi của diễn biến kinh tế vĩ mô. Trong khi câu chuyện tỷ giá có thể tạm thời được giải quyết nhờ nguồn kiều hối bù đắp, thì mặt bằng lãi suất cao đang khiến TTCK chịu hai bất lợi lớn. Đầu tiên là thị trường khó có được dòng tiền mới bổ sung để cải thiện thanh khoản. Trong khi đó, dòng tiền trên thị trường đang khá yếu, do tâm lý dè dặt của NĐT, cộng với các công ty chứng khoán ngại rủi ro nên không mạnh tay cung cấp đòn bẩy.

Do vậy, các giao dịch trên sàn chứng khoán đang ngày càng đìu hiu.

Bài và ảnh: Thành Lân
;
.
.
.
.
.