.

Đủ hàng, giá vẫn tăng

.

Tình hình giá cả thị trường đang tăng mạnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đã khiến cho người tiêu dùng lo lắng. Dư luận vẫn chưa hiểu rõ vì sao giá tăng cao trong khi không hề thiếu hàng và mong đợi sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, kiểm soát thực hiện những quy định về giá, kê khai và đăng ký giá các mặt hàng vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn của cơ quan quản lý.

Mô tả ảnh.

Nhiều mặt hàng cung ứng đủ về lượng nhưng vẫn tăng giá.

Hơn 2 tháng gần đây, hầu hết các ngành hàng “nhảy” giá khá cao, người thì cho do thời tiết mưa lũ triền miên, người thì cho do giá vàng, đôla Mỹ, đặc biệt tập trung ở các ngành hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng, kể cả giá cả nhiều loại dịch vụ tưởng như không liên quan gì đến thời tiết và giá vàng hay đôla Mỹ như cắt tóc, may mặc, sửa chữa xe, máy móc, sửa nhà cửa… tăng vọt khiến người dân không khỏi lo lắng.

Tại các chợ, giá nhiều loại rau, quả tăng gấp đôi bình thường mà chất lượng kém xa trước đây như rau cải xanh từ 4 nghìn đồng lên 10 nghìn đồng/bó, cải ngọt từ 5.000 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg, đậu Hà Lan từ 10 nghìn đồng/lạng lên 20 nghìn đồng/lạng, rau ngót từ 5 nghìn lên 8 nghìn đồng/bó, mướp 4-5 nghìn đồng/quả… Thịt heo tăng 5-7 nghìn đồng/kg, thịt bò tăng 7-10.000 đồng/kg. Cụ thể, giá thịt bò thăn dao động từ 150 – 160 nghìn đồng/kg, thịt bò đùi 150.000 đồng/kg, thịt heo nạc 75 ngàn đồng/kg, gà ta sống 110 đồng/kg, gà ta làm sẵn 120 nghìn đồng/kg… Các loại thủy-hải sản cũng tăng giá từ 20-30% như tôm đất 100-120 nghìn đồng/kg, tăng 20 nghìn đồng/kg; tôm sú 240.000 đồng/kg, tăng 40 nghìn đồng/kg; tôm bạc 90-100 đồng/kg, tăng 15 nghìn đồng/kg; mực ống từ 80.000 đồng/kg lên 110.000 đồng/kg; các loại cá mú, cá cu, cá ngừ… cũng tăng giá từ 15-20%. Nhóm dầu ăn, mì gói, đường, gạo tăng cao. So với cùng thời điểm năm ngoái, giá nhiều mặt hàng quần áo, giày dép, vải, tấm ni-lông, đồ nhựa, khăn lạnh tăng từ 10-15%. Hải sản khô tăng mạnh từ 30-50%.

Tại các chợ, ngoại trừ rất ít ngày do mưa lũ vừa qua có hụt hàng, lượng hàng hóa đã được tiểu thương nhập về đầy ắp, song giá vẫn tăng đáng kể. Nhiều tiểu thương không biết nguyên nhân vì sao tăng giá, chỉ giải thích “lấy vào cao phải bán ra cao”. Các tiểu thương ngành hàng thực phẩm khô ở chợ Hàn thừa nhận, mặc dù sức tiêu thụ mặt hàng hải sản khô đã vào thời điểm hết mùa du lịch, cũng như chưa vào Tết, nên bán chậm, nhưng không vì vậy mà giá giảm, ngược lại đã tăng một cách ngất ngưởng.

Với thực trạng sản xuất hàng hóa của Đà Nẵng mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu, còn lại phụ thuộc vào doanh nghiệp các địa phương trong nước, ít nhiều giá bị đẩy cao do chi phí trung chuyển, hoặc một số nguyên nhân khác là có thực. Còn việc tư thương tự nâng giá lợi dụng thời điểm mưa bão và trước Tết đòi hỏi nhiều cơ quan chức năng cùng tham gia kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc nâng giá bất hợp lý. Ông Trần Văn Đạm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng cho biết: Những biến động về thị trường, giá cả được các Đội QLTT nắm bắt kịp thời.

Căn cứ vào quy định của Nhà nước về những mặt hàng thiết yếu bắt buộc phải niêm yết giá như xăng, gas, đường, sữa…, lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra niêm yết, bán theo giá niêm yết và xử phạt những trường hợp vi phạm về niêm yết giá. Với sự quyết liệt trong công tác kiểm tra, kiểm soát chấp hành, trên địa bàn thành phố không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng. Qua các đợt kiểm tra vừa qua, mặc dù cũng phát hiện nhiều vụ vi phạm về giá, tuy nhiên các lỗi vi phạm chủ yếu là không niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết, đối tượng vi phạm hầu hết là các cửa hàng, đại lý tập trung ở các chợ.

Trong đợt đi cùng đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo 127/TP vừa qua tại các siêu thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho thấy, hầu hết các siêu thị đều chấp hành tốt các quy định về quản lý giá. Mặc dù có tăng giá ở một số mặt hàng nhưng các siêu thị như Big C, Co.op-Mart do thương lượng được với nhà cung cấp nên cho đến hết tháng 11, giá bán các mặt hàng thiết yếu tại siêu thị không những không tăng mà còn được hưởng chương trình giảm giá, khuyến mãi. Tuy nhiên, hiện tại một số hàng nhập về đã tăng giá nhiều nên việc duy trì không tăng giá ở các siêu thị trong những tháng tới sẽ rất khó khăn, cần sự hỗ trợ vay vốn chương trình bình ổn giá của thành phố. Về vấn đề này, ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho hay: Nhằm bình ổn giá từ nay đến cuối năm, vừa qua, Siêu thị Co.op Mart đã có đề nghị với thành phố vay 5 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa bình ổn giá cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Và để tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, Sở đã chỉ đạo Chi cục QLTT tăng cường kiểm tra về giá trong dịp Tết, đồng thời phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 127 tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường ở tất cả các quận, huyện. Lãnh đạo Sở Công thương khẳng định đã chủ động làm việc với các đơn vị cung ứng hàng hóa trên địa bàn, bảo đảm sẽ không thiếu hàng phục vụ nhân dân từ nay đến Tết Tân Mão.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.