.

Hàng Việt về nông thôn: Thời điểm nào là cần thiết?

.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các doanh nghiệp trong cả nước. Tại Đà Nẵng, thời gian qua đã có hàng chục cuộc “đổ bộ” đưa hàng Việt về các địa phương vùng ven thành phố. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả như mong muốn từ chương trình này, các đơn vị bán hàng Việt cần có những khảo sát nắm bắt tâm lý tiêu dùng từng thời điểm...

Mô tả ảnh.
Giá rẻ, hàng chất lượng cao, các DN tin tưởng người dân nông thôn sẽ ủng hộ lâu dài.
 
Theo Sở Công thương thành phố, từ đầu năm đến nay đã có hơn 50 doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh tham gia đưa hàng Việt về vùng ven thành phố để phục vụ nhân dân. Ở mỗi phiên chợ hàng Việt như thế, doanh thu đưa lại không nhỏ, thậm chí có phiên chợ hàng Việt ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn doanh thu đạt trên 500 triệu đồng chỉ trong thời gian vài ngày. Nói như vậy để thấy, thị trường nông thôn vẫn có sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường nội địa.
 
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Co-op Mart Đà Nẵng vui mừng cho biết: “Sau những chuyến hàng Việt được đưa về vùng quê, các khách hàng tỏ ra rất háo hức kéo nhau đến xem và mua hàng. Thu nhập của người dân quê không lớn nên những mặt hàng chúng tôi mang tới thường phù hợp với mức giá của người bình dân. Ngoài ra, để hỗ trợ thêm, Co-op Mart còn có những chương trình khác nhằm làm giảm bớt áp lực về giá cho người mua. Khác với nhiều doanh nghiệp, Co-op Mart đưa hàng về  nông thôn theo thường kỳ với mục tiêu phấn đấu tuần nào cũng có một đợt bán hàng Việt do Đoàn Thanh niên của Siêu thị đảm trách ở các xã”.

Theo khảo sát thực tế, Co-op Mart biết chọn những mặt hàng thực sự đáp ứng nhu cầu của người dân vùng quê. Dù không có nhu cầu mua sắm lớn, nhưng vì lâu lâu mới có những chương trình bán hàng giảm giá, tặng quà, tiết kiệm túi tiền, nên nhiều người dân vẫn tranh thủ mua càng nhiều càng tốt, dù phải đi mượn tiền. Ở các vùng quê thuộc huyện Hòa Vang, chợ trung tâm xa, hầu như người dân chỉ mua được hàng do người bán đưa lên bằng xe máy, xe đạp...
 
Vì thế, giá của hàng hóa nhân lên rất cao, trong khi đó, thu nhập của người làm nông theo mùa vụ, việc chi tiêu cho các khoản sinh hoạt thật khó cân đối. Nhiều lần đến chợ Hòa Phú, chúng tôi được nghe người dân địa phương bày tỏ việc họ mua hàng nợ, rồi khi nào bán được heo, gà, thóc gạo mới trả tiền sau. Như vậy, với việc đưa hàng Việt về nông thôn vào thời điểm không hợp lý sẽ hạn chế sức mua của bà con. Xét thấy, các tháng hè trong năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân nông thôn không lớn so với những dịp Tết đến, Xuân về.
 
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho rằng: Đưa hàng Việt về nông thôn theo chủ trương của Bộ Chính trị là việc doanh nghiệp phải làm lâu dài. Thế nhưng, đưa hàng về nông thôn ở thời điểm nào cho hợp lý, doanh nghiệp cần phải tính toán lại. Nếu như ồ ạt đưa hàng về từ tháng 5-6 liệu có hiệu quả hơn so với những tháng cuối năm? Dịp này, nhà nào cũng có nhu cầu phải sửa soạn cho gia đình và đây cũng là lúc túi tiền người dân rủng rỉnh hơn từ thu nhập làm ăn...

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Thương mại thành phố, đơn vị trực tiếp tổ chức cho các doanh nghiệp đưa hàng về vùng ven cũng thừa nhận: Mỗi khi có các phiên chợ hàng Việt, người dân địa phương đều rất phấn khởi. Họ nô nức kéo cả nhà, cả xóm đi mua hàng. Hình ảnh những người dân ở xa thành phố rất hăm hở tay xách nách mang với những bọc hàng to nhỏ với giá ưu đãi chỉ bằng 2/3 so với giá thành phố. Trong nhiều phiên chợ hàng Việt do trung tâm tổ chức vào các thời điểm trong năm, thì phiên chợ vào đúng dịp áp Tết, các doanh nghiệp thường có doanh số thu cao từ việc bán hàng. Nhu cầu mua sắm hàng Việt thực sự sôi động và có ý nghĩa khi người dân quan tâm đến sản phẩm và sự lựa chọn thời điểm mà doanh nghiệp mang hàng về tiếp cận với thị trường nông thôn.

Bài và ảnh: Duyên Anh
;
.
.
.
.
.