.

Khu công nghiệp - Khẳng định một vị thế

.
Tháng 9-1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Quản lý Khu chế xuất Đà Nẵng (Khu công nghiệp An Đồn), đánh dấu sự ra đời một khu công nghiệp (KCN) đầu tiên của địa phương, khẳng định định hướng quan trọng của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) và thành phố Đà Nẵng trong phát triển kinh tế của thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Mô tả ảnh.
Một dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu của Công ty Hữu Nghị (Khu công nghiệp An Đồn).
 
Hơn 16 năm đã qua, từ mô hình đầu tiên thành lập KCN và Chế xuất An Đồn tập trung, đến nay Đà Nẵng đã có 6 KCN: Đà Nẵng, Liên Chiểu, Hòa Cầm, Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng và Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang. Các Khu công nghiệp này có tổng diện tích hạ tầng đã xây dựng và đủ điều kiện đưa vào khai thác 833ha.
 
Trong đó, 521,1ha đất đã cho thuê, thu hút 312 dự án đầu tư, gồm 248 dự án trong nước và 64 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 9.829 tỷ đồng và 551,1 triệu USD. Việc ra đời các KCN đã tạo động lực thay đổi định hướng và chiến lược phát triển công nghiệp, góp sức chuyển dịch kinh tế địa phương. Hoạt động các KCN Đà Nẵng đóng góp quan trọng trong đầu tư phát triển kinh tế Đà Nẵng. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, ở rải rác trong vùng dân cư, gây ô nhiễm môi trường… được đưa vào khu sản xuất tập trung với quy mô ngày càng lớn, công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần quan trọng vào việc thay đổi vị thế, diện mạo của ngành Công nghiệp thành phố.
 
Việc ra đời các khu công nghiệp còn góp phần để thành phố thực hiện được một chủ trương lớn là di dời các cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư, trả lại cuộc sống an lành cho nhân dân. Sau 7 năm triển khai (từ 1998 đến năm 2005) với sự đồng thuận của nhân dân và sự quyết tâm của các cấp chính quyền, hàng loạt các doanh nghiệp (DN) gây ô nhiễm môi trường đã được di dời vào các Khu công nghiệp, hoặc chuyển đến nơi mới theo quy định của thành phố. Những vấn đề về nước thải ô nhiễm, tiếng ồn do các cơ sở sản xuất gây ra trong khu dân cư chỉ còn là quá khứ, thành phố đã sạch và đẹp hơn.

Với tinh thần góp sức cùng Đà Nẵng xây dựng thương hiệu thành phố môi trường, các KCN Đà Nẵng đã nỗ lực xây dựng KCN tập trung và bền vững của địa phương. Toàn bộ hệ thống đường nội bộ, cảnh quan khu vực, trong khuôn viên các nhà máy, với những hạng mục như khu xử lý nước thải tập trung, hệ thống cấp điện và nước ổn định, riêng biệt, đều đã được nhà đầu tư triển khai hoàn tất. Những tiêu chí về bảo đảm sản xuất sạch, không có hành vi xâm hại môi trường, không sử dụng lãng phí tài nguyên tự nhiên, kể cả nước ngầm được các DN trong KCN cam kết thực hiện. KCN không có rác thải bừa bãi, mức độ an ninh cao, các hệ thống dịch vụ hỗ trợ DN đều tại chỗ và chu đáo, như ngân hàng, viễn thông, hải quan...

Riêng KCN Hòa Cầm với vị trí khá thuận lợi, được xác định trở thành một KCN sạch, tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ cao, lao động có chuyên môn cao và không gây ô nhiễm môi trường. So với các KCN trước đó, KCN Hòa Cầm được xây dựng khá hoàn chỉnh, đạt các tiêu chuẩn là KCN sạch theo tiêu chí xây dựng thành phố môi trường.

Còn nhiều việc phải làm, còn nhiều điều phải bàn về công tác quản lý, điều hành các KCN của thành phố, nhưng một điều khẳng định chắc chắn rằng: Các KCN đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Mục tiêu để trở thành thành phố công nghiệp vào năm 2020, thành phố môi trường trong tương lai có sự đóng góp quan trọng, quyết định của các KCN. Những doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là các doanh nghiệp FDI đến từ các nước tiên tiến đầu tư vào các KCN ngày càng nhiều, đã khẳng định một định hướng đúng đắn về xây dựng các KCN của thành phố khẳng định môi trường đầu tư của Đà Nẵng rất hấp dẫn.

Bài và ảnh: Đức Thịnh
;
.
.
.
.
.