.

Kiếm tiền nhờ nghề “chơi” sinh vật cảnh

.

Hội Sinh vật cảnh (SVC) quận Cẩm Lệ thành lập năm 2008, hiện có 6 chi hội ở các phường và 1 chi hội Câu lạc bộ SVC của quận. Ngoài giá trị kinh tế, “chơi” sinh vật cảnh còn là một nghệ thuật công phu, độc đáo và đầy tính sáng tạo.

Mô tả ảnh.
Hai cha con anh Thiệt đang chăm mai.

Mặc dù số lượng hội viên còn ít, nhưng Hội Sinh vật cảnh Cẩm Lệ cũng hội tụ “đủ mặt anh tài”. Mai chậu có các anh Nguyễn Thành Thiệt, Đinh Văn Hữu ở Hòa Phát, Nguyễn Văn Anh ở Hòa An và Phùng Qua ở Hòa Thọ Đông. Ông Đào Lai (Hòa Thọ Tây) và ông Võ Văn Hiếu (Khuê Trung) chuyên trồng hoa bát tiên, cây nào cũng xinh tươi, óng ánh, sớm chiều lung linh khoe sắc.Vườn hoa phong lan và hoa đồng tiền của ông Trần Phước Đồng (Hòa Phát) trông rất đằm thắm, quyến rũ.

Còn những dãy bon sai của ông Nguyễn Minh Dũng (Hòa Thọ Đông) lại hết sức độc đáo, gợi cảm! Ông Trần Ngọc Anh ở phường Hòa An nổi bật về các kiểu dáng bon sai-tiểu cảnh, còn ông Lê Hữu Đẩu ở Khuê Trung  thì “chơi” luôn cả mai, bát tiên, bon sai, non bộ… mà tác phẩm nào cũng thật đặc sắc... Ngoài ra, Hội còn thu hút hội viên đến từ các địa phương khác, làm cho diện mạo nghề “chơi” hoa-cá-cây cảnh trên quê hương Cẩm Lệ càng thêm đa dạng, phong phú như anh Trần Kim Định ở phường Bình Thuận đến làm mô hình nuôi cá cảnh, anh Nguyễn Trường Thọ ở Thanh Bình gia nhập Hội với biệt tài chăm sóc, mua bán cây cổ thụ và cây bóng mát. Từ quận Sơn Trà, anh Nguyễn Quang đến đây lập cơ sở trồng hoa lan các loại và cũng tự nguyện tham gia Hội...

Những năm qua, Hội SVC Cẩm Lệ có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực. Sản phẩm của Hội đã tham gia trưng bày trên tuyến đường Bạch Đằng trong dịp thi bắn pháo hoa quốc tế năm 2010, tại Hội trại đoàn kết toàn quận chào mừng 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam và có mặt tại Festival hoa Đà Lạt năm 2009...

 

Mô tả ảnh.
Trồng hoa bát tiên trên trần nhà ở Cẩm Lệ.

Ban Chấp hành Hội chủ động phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ (thuộc Sở Khoa học-Công nghệ) xây dựng một số mô hình trồng hoa cao cấp đạt kết quả khả quan. Ông Nguyễn Đá ở phường Hòa Thọ Tây và anh Nguyễn Thành Công (Hòa Phát) được hỗ trợ giống, kỹ thuật, đã trồng thành công cây hoa ly ly-một giống hoa nhập khẩu từ Hà Lan, đạt hiệu quả kinh tế cao (mỗi chậu ly ly có 3 cây, chăm sóc trong 75 ngày là đã bán được với giá từ 150-250 ngàn đồng). Hai hộ Trương Ngọc Thân (Hòa Thọ Tây) và Nguyễn Thị Khánh Vân (Hòa Phát) thực hiện mô hình trồng hoa lan và sẽ có bán vào dịp Tết năm nay. Hội còn phối hợp với Trung tâm Đào tạo nghề Hòa Vang tổ chức dạy nghề trồng hoa-cây cảnh, giúp nhiều người tạo được việc làm mới. Hội Sinh vật cảnh Cẩm Lệ có Khu trưng bày và bán sản phẩm ở phía tây cầu vượt Hòa Cầm. Khách thập phương đến đây đều ngạc nhiên trước một khu vực sinh vật cảnh rực rỡ sắc màu. Hoa cảnh của các hội viên có nhiều mức giá, từ chín, mười nghìn cho đến vài chục triệu đồng và do ở sát bên quốc lộ 14B nên rất thuận tiện về vận chuyển.

Toàn quận Cẩm Lệ có hơn 200 hộ làm nghề sinh vật cảnh và có nhiều tấm gương sáng trong lĩnh vực này. Cụ Ngô Văn Xáng ở phường Hòa Thọ Đông đã đưa được cây hoa sen trồng chậu từ TP Hồ Chí Minh về trồng thành công và trở thành người tiên phong ở Đà Nẵng có hoa sen trồng chậu để bán. Cây sen trồng chậu lá non mướt, rất đẹp, còn hoa cũng lung linh óng ánh hơn so với sen mọc tự nhiên và có giá bán hơn 300.000 đồng/chậu, trồng ra bao nhiêu cũng bán hết. Hai cha con anh Nguyễn Thành Thiệt và Nguyễn Thành Công suốt ngày miệt mài chăm tưới, uốn sửa, ngắm nghía, tỉa tót từng chiếc lá mai. Vườn mai của anh có cả ngàn chậu lớn nhỏ, chậu nào cũng có dáng thế cân phân, cành lá tỏa đều tứ phía, đẹp như tranh vẽ! Cơ sở nuôi cá cảnh của anh Trần Kim Định có hàng chục loại như cá thần tiên, cá tai tượng, cá hoàn kiếm, cá mắt lồi, cá lý ngư…, đặc biệt giống cá la hán tạo ra hiệu quả rất cao (chỉ tính riêng một cặp trong 2 tháng rưỡi đã tạo ra khoản lãi ròng trên 10 triệu đồng)…

Là thú chơi, nhưng nghề sinh vật cảnh ở Cẩm Lệ đang phát triển theo hướng sản xuất cho thu nhập khá đối với nhiều hộ dân ở đây, qua đó giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu, giải quyết một phần bài toán việc làm cho người nông dân sau giải tỏa, không còn nhiều đất đai để canh tác…

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.