Không năm nào, người trồng hoa lại không đối đầu với hàng trăm mối lo không biết kêu ai: Giống dỏm; phân bón, công lên giá; tìm không ra chỗ ngồi...
Những người trồng hoa canh cánh nỗi lo tìm không ra chỗ ngồi bán hoa Tết.
Rớt giống
Mấy ngày nay, đi đến làng trồng hoa nào cũng nghe câu chuyện giống má thất bại. Giống cúc xưa nay vốn dễ trồng, cũng đành thất thu vì dịch trùng đục thân. Phân nửa số cúc con của ông Nguyễn Quang Phụng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) nằm chết dí từ lúc mới đưa về được vài ngày. Vườn ông Nguyễn Văn Mỹ, tổ 64 phường này không khá hơn. “Để kịp phân phối giống cho các tỉnh, đầu mối giống từ Đà Lạt phải thúc phân cây mẹ cho kịp giâm, chiếc. Hậu quả là cây con thân to nhưng bị hổng ở trong, hễ gặp mưa là thúi rễ”, ông Mỹ lý giải.
Nhiều cây giống không chết liền khi mang về, mà lên cao 20-30cm mới bắt đầu trở chứng. Người non tay nghề chỉ biết ngồi khóc. Kẻ có kinh nghiệm thì vớt vát mấy cây chưa đến nỗi nào đem trồng lại, dù chậm hơn trồng cây bình thường chừng một tháng. Trong khi đến nay, những cây cúc khỏe mạnh có thể đạt đến gần 1m, thì những cây này chỉ chừng 0,6m với chất lượng bằng phân nửa. “Phải chi sâu bệnh, nắng mưa thì mình còn xoay xở, ứng phó được, đằng này hư từ giống, có tài mấy cũng thua”, ông Phụng nói.
Đã vậy, giống ly có giá rất cao, từ 13 đến 17 nghìn đồng/củ cũng làm người trồng hoa khốn đốn nặng nề hơn vì không đậu bông. Theo ước tính của các chủ vườn, mỗi người trung bình mất ít nhất 30-40% ly giống. “Đem giống trồng hồi hôm, tới sáng mai là hơn nửa bị gãy ngang mầm. May mà năm ni tôi trồng ít, không thì thua đậm”, ông Phan Hòa ở thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, cho biết. Một người quen của ông ở Hòa Tiến, huyện Hòa Vang mua 600 củ giống nhưng chỉ thu được 100 cây ngon ngon. Hỏi thì nhà giống làm lơ, đổ thừa cho… hên xui.
Chật vật tìm chỗ bán hoa
Trồng được hoa tốt đã khó, mà tìm cho ra chỗ ngon lành để tiêu thụ hết sản phẩm mình trong mùa Tết, coi bộ còn khó hơn. Như mọi năm, tới giờ này, cả nhà ông Phan Hòa đều đứng ngồi không yên, lo nghe ngóng ngày bán phiếu, ngày bốc lô ở chợ Hòa Khánh, quận Liên Chiểu. Với 2 nghìn chậu cúc, ông cần ít nhất 2 lô để trưng bày. Nhưng những năm trước, ông chật vật lắm mới đấu giá được một lô, còn lại đều phải mua lại của con buôn với giá trên trời: Gần 3 triệu đồng/lô, trong khi giá sàn của mỗi lô này là 250 nghìn đồng. Nhiều người trồng hoa ở Liên Chiểu đều chung cảnh ngộ như ông Hòa là phải mua lại chỗ ngồi từ những người chạy xe ôm hoặc bán hàng rong vốn mua phiếu, bốc xăm với mục đích sang nhượng. Có khi vì quá cần chỗ, người trồng hoa vô tình tiếp tay cho những cò “chợ đen” này hét giá mỗi lô lên đến 5 triệu đồng.
“Có chỗ ngồi, bọn tôi lại khổ với chuyện nước tưới”, ông Hòa than phiền. Vì chỉ có hai máy bơm nước chia đều cho cả 60 lô, nên nước chảy rất yếu, ông phải dậy từ 1, 2 giờ sáng để được tưới sớm. Đôi khi những hộ bán hoa Tết phải gây gổ, thậm chí xô xát, đánh nhau vì giành giật nước tưới.
Bán hoa ở khu vực Đài Tưởng niệm trên đường 2-9, ông Phụng cũng mang nỗi lo tương tự. Theo nhìn nhận của ông, lượng nước ở khu bán hoa chỉ bằng khoảng 20% so với nước tưới ở vườn. “5 - 6 hộ dùng chung một vòi nước, hễ một người tưới thì người kia đứng ngó. Nhiều khi đợi suốt từ sáng tới chiều mới tưới được”, ông Phụng cho hay. Ông Trương Hảo, ở Cẩm An, Hội An, mỗi năm đều chở hoa ra khu vực trên bán, đề nghị thêm: “Ban quản lý chợ hoa phải coi trọng vấn đề an ninh, tránh để tình trạng người trồng hoa bị mất cắp cây và bị xe thồ ép giá bốc dỡ”.
Bài và ảnh: HẰNG VANG