.

Cố tình cân non

.
Rất nhiều người tiêu dùng đang chịu thiệt thòi do việc cân thiếu (cân non) đã trở thành một hiện tượng khá phổ biến tại nhiều chợ và hàng bán rong. Các biện pháp như đặt cân đối chứng (CĐC), phạt cảnh cáo hoặc đình chỉ sử dụng mặt bằng ở chợ lại tỏ ra chưa mấy tác dụng.

Đủ thủ thuật cân non

Mô tả ảnh.
Người tiêu dùng bị thiệt do chủ hàng cố tình cân gian (ảnh mang tính minh họa).
Chị Nguyễn Thị Dung hay đi chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) nói rằng, mua của người quen là cách an toàn nhất để bảo đảm mua được đúng lượng hàng theo giá tiền mình bỏ ra, vì người quen thường cân dôi hơn trọng lượng bình thường thể hiện trên bàn cân. Chẳng hạn, thay vì trả 25 nghìn đồng cho đúng 1kg cam, thì người bán cân cho chị tới 1,2kg. Nguyên nhân có sự xê xích này là cân đã được điều chỉnh “non” tới 200gr (2 lạng), chỉ được áp dụng để bán cho
“khách lạ”.

Đôi khi, việc cân thiếu xuất phát từ thực tế: Do người mua trả giá quá gắt. Tại một hàng khác thuộc chợ trên, chủ hàng cho hay chấp nhận bán dưới giá thị trường từ 3-5 nghìn đồng/kg trái cây, tất nhiên là với mức cân dưới mức chuẩn 200-300gr. Chị giải thích: “Nếu mình trung thực bán đúng giá, đúng lượng, khách sẽ đi hàng khác và mua được giá “rẻ”. Họ tưởng mình bán đắt và mình sẽ mất khách ngày này qua ngày khác”. Một người bán hàng tôm cũng thổ lộ, khi giá tôm tăng lên mức cao ngất ngưởng, trên 100 nghìn đồng/kg, nếu bán quá cao, khách hàng sẽ bỏ đi hết, họ phải dùng thủ thuật tẩm nước vào bao nilon đựng tôm cho “nằng nặng” rồi mới đặt lên cân. Vòng luẩn quẩn này khiến nhiều chủ hàng làm việc chẳng đặng đừng là cân gian lận và sở hữu cùng lúc tới hai chiếc cân: một sai, một đúng.
 
Mô tả ảnh.
Cân đối chứng thường được đặt ở trung tâm các chợ, nhưng rất ít người mang hàng tới cân lại.
Tuy nhiên, không ít chủ hàng, dù người mua không hề trả giá, vẫn thực hiện sự gian lận thấy rõ. Chị Dung bức xúc khi một lần mua 3,2kg trái cây, nhưng khi cân đối chứng chỉ còn 2,8kg. Chính chúng tôi vẫn thường bị cân thiếu phổ biến khoảng 200gr trên mỗi ki-lô-gam. Ngay cả một cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TT KTTCĐLCL) cũng là nạn nhân, khi mua 10kg hạt dưa ở chợ Cồn nhưng thực chất chỉ có 8kg.
 
Theo dẫn dắt của nhiều người bán, chúng tôi tìm đến hai địa chỉ “sửa” cân: ông K. và ông Đ. ở khu vực Liên Chiểu. Cách “sửa” khá đơn giản: Chỉ cần tác động lên lò xo của chiếc cân là có thể điều chỉnh được cân “non” hay “già”, với giá 10-20 nghìn đồng/một lần “sửa”. Tuy nhiên, theo ông K., chẳng ai “dại gì mà đi “sửa” cho cân già”.

Người tiêu dùng ngại đối chứng

Cân lò xo được sử dụng tại các chợ là cân cấp 4 có độ chính xác thấp. Khi kiểm định, dù thấy sai nhưng cũng không đủ bằng chứng để kết luận người bán cố tình gian lận hay do lỗi kỹ thuật, hỏng hóc... Cũng không dễ để kiểm tra các cửa hàng “sửa” cân, vì họ không đăng ký cũng như không trương biển hiệu.
(Ông Mai Tấn Hùng, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng)
Để chấn chỉnh nạn cân gian, cân thiếu, nhiều năm trở lại đây, hầu hết các chợ lớn trong thành phố đều đặt các CĐC, giúp người tiêu dùng dựa vào đó mà phân biệt ngay-gian. Tại chợ Hòa Khánh, ông Nguyễn Văn Anh, Phó Bộ phận quản lý chợ cho biết, khi nhận phản ánh của khách hàng, BQL sẽ tiến hành kiểm tra lại bằng quả cân đối chứng có trọng lượng 1kg. Trung bình một năm, nơi này nhận khoảng 5-7 trường hợp phản ánh, với độ “non” cân lớn nhất vào khoảng 150-200gr. BQL đều lập biên bản, thu giữ cân cũ, hư hỏng; đối với cân mới, chủ hàng phải mang đến TT KTTCĐLCL kiểm định mới được bán tiếp. Còn BQL chợ Cồn, theo ông Phan Quang Cả, Phó Trưởng BQL, xử phạt nặng hơn là đình chỉ sử dụng mặt bằng 3-5 ngày.

Song, theo ghi nhận của chúng tôi tại chợ Cồn và chợ Hòa Khánh, dù CĐC được đặt ở vị trí trung tâm, rất ít người chịu khó mang hàng tới cân lại. Chị Đinh Hoàng Trang, mua hàng ở chợ Cồn giải thích: “Không hiểu sao mình rất ngại cân đối chứng. Vả lại, nhiều khi mua rồi lo về cho nhanh, chứ không ai nhớ tới việc cân đi cân lại”. Vậy là, chỉ trừ khi quá nghi ngờ về lượng hàng mua, người tiêu cùng mới “rắn mắt” đối chứng.

Thực tế hằng năm, TT KTTCĐLCL đều tiến hành kiểm định toàn bộ cân tại các chợ trong thành phố. Mới đây nhất là cuộc tổng kiểm tra khoảng 2 nghìn chiếc cân tại chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, Hòa Cường, Khu B siêu thị Bài Thơ cũ vào giữa tháng 1. Trước đó, năm ngoái, số lượng cân tương tự tại các chợ quận Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Sơn Trà đã được kiểm định. Ông Mai Tấn Hùng, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật của TT cho  hay: “Những cân có dấu hiệu sai lệch thường rơi vào hàng tôm, cá, do cân bị nhiễm nước mặn gây rỉ rét, hỏng hóc dẫn tới việc đo lường không còn chính xác”. Ông Hùng nói, lực lượng kiểm định quá mỏng (2-3 người) so với lượng cân quá lớn tại các chợ, nên kiểm soát hoàn toàn việc cân gian, cân thiếu là điều khó khăn. “Cuối cùng chỉ chờ đợi vào lương tâm người bán. BQL các chợ phải tính tới việc đặt các CĐC vào những vị trí thuận tiện hơn cho người đi chợ”, ông chia sẻ.

Bài và ảnh: HẰNG VANG
;
.
.
.
.
.