.

Đủ gạo trong dịp Tết

.
Còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng tại thời điểm này, hầu hết các cửa hàng, đại lý bán sỉ, bản lẻ gạo trên toàn thành phố đều có lượng gạo dự trữ và nhập về mỗi ngày khá lớn, đủ sức phục vụ một cái Tết no ấm cho mọi người.

Mô tả ảnh.
Giá lương thực trong dịp Tết Nguyên đán dự kiến sẽ không tăng do nguồn cung rất ổn định và dồi dào.
“Gạo là nhu yếu phẩm không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân, cho nên lúc nào chúng tôi cũng có một lượng dự trữ ổn định để cung cấp cho thị trường, tuyệt đối không để tình trạng thiếu hụt xảy ra”, anh Lê Kim Tuấn, chủ đại lý gạo Phúc Tín trên đường Ông Ích Khiêm cho biết. Đó cũng là tâm lý chung của nhiều cửa hàng kinh doanh gạo trên toàn địa bàn. Điều này góp phần cung cấp một nguồn lương thực dồi dào cho thị trường, hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ tăng giá trước những thời điểm nhạy cảm như Tết này. Tại hầu hết các cửa hàng, việc mua bán vẫn diễn ra bình thường, giá gạo đang ổn định từ cả tháng nay.

Theo ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương, UBND thành phố đã chi hơn 4,5 tỷ đồng, tương đương 500 tấn gạo dự trữ để chuẩn bị phục vụ cho dịp Tết sắp tới. Ngoài ra, Sở này còn dự kiến phối hợp với Công ty CP Lương thực Đà Nẵng (Danafood) tổ chức các điểm bán lương thực lưu động tại chợ Đống Đa, chợ Bắc Mỹ An, chợ Cồn vào thời điểm trước Tết, góp phần bình ổn giá cả, do sức mua tăng mạnh. Nhận định về tình hình lương thực thời điểm trước Tết, bà Trần Thị Mỹ Linh, Phó Tổng Giám đốc Danafood, đơn vị cung cấp lương thực hàng đầu tại Đà Nẵng lạc quan: “Hiện nay chúng tôi đã dự trữ hơn 500 tấn gạo để phục vụ nhu cầu của người dân trước Tết Nguyên đán.
 
Ngoài ra, hơn 6.000 tấn gạo đang nằm trong kho ở miền Nam vẫn sẵn sàng “Bắc tiến” nếu sức mua ngoài này tăng mạnh”. Hiện nay, ngoài Danafood, trên địa bàn thành phố còn có hàng trăm cửa hàng bán sỉ và lẻ chủ yếu nhập lúa, gạo từ đồng bằng sông Cửu Long để cung cấp nhu cầu lương thực trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Bà Mỹ Linh cũng cho biết thêm, sản lượng lúa gạo châu Á năm nay giảm mạnh vì thiên tai, nên làm cho giá gạo trong nước cũng tăng nhẹ từ 300-500 đồng/kg. Mức giá này tuy hơi cao hơn năm ngoái nhưng hiện ổn định vì nguồn lương thực dự trữ trong nước rất dồi dào.

Khảo sát tại các cửa hàng lương thực trên địa bàn, giá gạo vẫn ở mức ổn định từ cả tháng nay, gạo quê giá 9.500-10.000 đồng/kg, gạo Sài Gòn 10.000 - 13.000 đồng/kg, gạo Lài sữa vàng 14.000 đồng/kg, Đài Loan 16.000 đồng/kg, nếp có giá từ 16.000 – 25.000 đồng/kg tùy loại… Chị Nhung, chủ cửa hàng gạo trên đường Phan Thanh cho biết, thông thường phải từ 20 tháng Chạp thì người mua gạo Tết mới thực sự sôi động, còn hiện tại sức mua vẫn bình thường, cửa hàng chị bán được 200 – 300kg gạo mỗi ngày.
 
Theo chị Nhung, do tâm lý người dân không muốn mới ra Tết đã phải mua gạo, mà nhà ai cũng muốn Tết đến gạo đầy thùng, nên mức tiêu thụ sẽ tăng cao trong mấy ngày giáp Tết. Nắm bắt tâm lý này, các cửa hàng đều dự trữ sẵn, chưa Tết năm nào xảy ra thiếu gạo hay giá gạo tăng đột biến. Một số điểm chuyên làm bánh chưng phục vụ Tết vẫn tỏ ra lạc quan trước tình hình giá cả như hiện nay. “Cứ vào dịp Tết là chúng tôi lại mua vào một số lượng gạo nếp cao gấp 7-10 lần để làm bánh nhưng chưa lần nào phải rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu”, anh Nguyễn Đương, chủ một hiệu bánh nếp, cho biết.

Bài và ảnh: Phan Chung
;
.
.
.
.
.