Sáng 6-1, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam - PVN) chính thức khánh thành Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), nhà máy lọc dầu đầu tiên có công nghệ hiện đại do Việt Nam tự đầu tư, quản lý và vận hành.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc đưa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Cho rằng đây là bước phát triển quan trọng đối với ngành Dầu khí Việt Nam, Thủ tướng khẳng định việc lựa chọn địa điểm và xây dựng Nhà máy là một quyết định đầu tư đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta; mong muốn Nhà máy sẽ từng bước đáp ứng một phần nhiên liệu cho thị trường trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài.
Nhấn mạnh sự thành công của Dự án xây dựng Nhà máy có ý nghĩa đặt nền móng, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam, nền tảng phát triển công nghiệp tại Quảng Ngãi và khu vực miền Trung, từng bước tạo ra sự phát triển kinh tế cân đối giữa các vùng, miền trong cả nước, Thủ tướng yêu cầu PVN phải quản lý và vận hành thật tốt để Nhà máy hoạt động an toàn, ổn định, đạt hiệu quả cao nhất.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay, với tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 3 tỷ USD, công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm tương đương 148.000 thùng/ngày, Nhà máy đang phấn đấu để nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm.
Khởi công từ ngày 28-11-2005, sau 44 tháng xây dựng, ngày 22-2-2009, Nhà máy chính thức cho ra đời dòng sản phẩm dầu khí mang thương hiệu "Made in Vietnam". Ngày 30-5-2010, Tổ hợp nhà thầu Technip đã chính thức bàn giao Nhà máy cho chủ đầu tư.
Sau gần hai năm đi vào hoạt động, Nhà máy đã chế biến được 8,2 triệu tấn dầu thô, sản xuất 7,2 triệu tấn sản phẩm với giá trị sản lượng ước đạt 108,3 nghìn tỷ đồng, đặc biệt là sản phẩm xăng Jet A1-nhiên liệu cho máy bay đã được cấp chứng chỉ chất lượng quốc tế, đang được tiêu thụ mạnh ở cả trong và ngoài nước.
Hiện nhà máy đang vận hành ở công suất 105%, cao hơn công suất cực đại khoảng 1.000 tấn một ngày. Trung bình mỗi ngày, nhà máy chế biến khoảng 18.000 tấn sản phẩm xăng, dầu các loại để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.
Năm 2011, Nhà máy phấn đấu đạt mức doanh thu 77.000 tỷ đồng, lợi nhuận 550 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước 15.000 tỷ đồng.
Theo Chinhphu.vn