.

Mai nở không kịp Tết, nhà vườn lao đao

.
(ĐNĐT) - Cái lạnh bất thường ở miền Trung thời gian qua đang khiến hoa mai "ngậm" không chịu trổ hoa cho dịp Tết Nguyên đán. Các nhà vườn trồng mai như đang ngồi trên lửa vì nguy cơ thất thu nặng!

Trời lạnh mai “đón Tết muộn”

Tìm về những nhà vườn trồng mai cảnh lớn của phường Hòa An (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), chúng tôi thấy những vườn mai đã đâm nụ chi chít, những chậu mai đã được cắt tỉa, tạo dáng, thế đẹp đã được đặt sẵn trong sân chờ khách. Thế nhưng cái lạnh bất thường đã khiến hàng ngàn gốc, chậu mai đều trong tình trạng “đón Tết muộn”.
Mô tả ảnh.
Nghệ nhân Trần Ngọc Anh bên vườn mai của mình
 
Ông Trần Ngọc Anh, nghệ nhân trồng mai xuân (Tổ 50 phường Hòa An), nói: “Năm ngoái, thời tiết dịp này nóng quá khiến vườn mai nhà tôi mất trắng vì hoa nở sớm. Năm nay, mai sinh trưởng, phát triển rất tốt thì vừa qua lại gặp đợt lạnh khiến mai “ngậm” không bung ra được. Mấy ngày nay, khách hàng cũng đến xem khá đông, nhưng họ đều lắc đầu bởi mai không bung hoa”.

“Bình thường nếu như thời tiết đảm bảo trên 20 độ C, khoảng từ 18-12 đến ngày 22-12 âm lịch này mai bắt đầu bung vỏ trấu thì nhà vườn trúng lớn. Nhưng thời tiết năm nay lạnh kéo dài khiến mai bị ngậm nụ, chậm bung. Người trồng mai chúng tôi thiệt lớn”, ông Anh vừa chăm sóc vườn mai, vừa buồn rầu chia sẻ.

Gặp chị Võ Thị Hồng Hạnh, Phó phòng Tổ chức nhân sự Chi nhánh Công ty Bitis tại Đà Nẵng ở vườn mai của nghệ nhân Lê Hai (Tổ 50) khi chị đến nhận mai về chưng Tết cho công ty. Chị Hạnh cho hay, năm trước công ty chị gửi ở nhà vườn chăm sóc mai trên đường Trần Cao Vân, nhưng họ giải thể nên năm nay chị gửi tại đây.

Theo hợp đồng, công ty gửi 2 cây mai tại nhà vườn của bác Lê Hai chăm sóc 1 năm với giá 1 triệu đồng. Đến khoảng 16 đến 18- 12 âm lịch là xuống nhận mai về trưng Tết. Yêu cầu của công ty là phía nhà vườn phải chăm sóc, cắt tỉa, uốn tạo dáng đẹp cho cây. Nhất là phải đảm bảo sao cho đến thời điểm Tết Nguyên đán, mai ra hoa phải đạt tỷ lệ khoảng 70%. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết lạnh nên đến thời điểm này cả 2 chậu mai của Công ty Bitis gửi cùng chịu chung số phận nở không kịp Tết với hơn 400 gốc mai tại đây.

“Với tình hình như thế này, có lẽ chúng tôi sẽ phải đi thuê hoặc mượn 2 cây mai khác của nhà vườn về chưng dịp Tết này thôi”, chị Hạnh cho biết.

“May mắn thì trúng được 20%”

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng và chăm sóc mai cảnh, nghệ nhân Anh gần như quá hiểu về đặc tính của mai. “Mai khác đào ở điều kiện thời tiết. Trời lạnh kéo dài như thế này thì năm nay người trồng đào ngoài Bắc chắc chắn trúng lớn, còn người trồng mai may mắn lắm thì họa chăng trúng được 10 - 20%”, ông Anh nói.
 
Như vậy, gần 1.000 chậu mai trong vườn của ông sẽ chỉ được khoảng 100 chậu có “may mắn” được đón Tết năm nay. Theo tính toán của ông Anh, người mua chủ yếu chuộng loại mai có giá từ 2-3 triệu đồng/gốc. Với khoản thu trên 300 triệu thì chỉ đủ bù tiền phân bón, thuốc trừ sâu, điện nước…, chưa kể tiền công, coi như lỗ nặng.
 
Mô tả ảnh.
Một khách hàng đang khó khăn chọn mai

Theo quan sát của chúng tôi, tại rất nhiều nhà vườn trồng, chăm sóc mai Tết lớn của phường Hòa An như hộ ông Trần Đản (tổ 16), ông Huỳnh Phước Châu (Tổ 46), ông Kim Kiều (tổ 14)… hàng nghìn cây mai xuân cũng đều trong tình trạng tương tự.

Ông Nguyễn Viết Miên, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa An cho hay, trước kia phường có khoảng trên 40 hộ trồng mai. Nhưng mỗi ngày giá phân bón một tăng, các hộ dần bỏ nghề và hiện giờ cả phường còn khoảng trên 20 hộ trồng mai, với số lượng khoảng trên 4.000 gốc.

“Chăm sóc cây cảnh nói chung, mai cảnh nói riêng, sợ nhất là sự thất thường của thời tiết. Dù có bỏ công chăm bẵm bao nhiêu mà thời tiết không ủng hộ thì mọi công sức đều coi như bỏ đi. Nhiệt độ dưới 18 độ C, mai sẽ kém phát triển, không ra hoa, trổ lộc. Nếu tình trạng rét buốt như mấy ngày qua kéo dài khoảng 1 tuần nữa thì mai của vườn nào cũng đều trong tình trạng “ngủ đông” hết. Người dân sẽ không có lãi”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Tần ngần đứng trước vườn mai của mình, nghệ nhân Ngọc Anh cho biết, mai trồng 3-4 năm mới bắt đầu ra hoa. Bỏ biết bao công chăm sóc, trước Tết trời lạnh mai có được ủ cách mấy cũng ít ra hoa.

Vừa chia tay chúng tôi, ông đã lại tất bận che lưới, che nilon, rồi kéo vòi nước cắm từ giếng khoan lên tiếp tục công việc chăm sóc cho vườn mai của mình. “Mấy ngày ni phải tốn thêm công sức vào việc này, để hy vọng có được vài trăm cây bung hoa kịp Tết nữa. nếu không…. Nhưng có cố mấy thì cũng vẫn phải trông nhờ vào ông thời tiết cả thôi”, ông Anh buồn rầu nói.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh
;
.
.
.
.
.