Không chừa bất cứ địa phương nào, cứ vào dịp cuối năm, hàng lậu, hàng giả lại tìm cách len vào các ngõ ngách của thị trường nội địa. Theo các lực lượng chức năng của Đà Nẵng, hàng lậu chủ yếu là các loại hàng hóa có giá trị cao, tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như tiền giả, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực, các loại pháo nổ, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, mỹ phẩm, điện thoại di động, động vật hoang dã, hàng điện tử, thuốc lá, bia rượu, thực phẩm kém phẩm chất…
Thu giữ bột giặt giả nhãn hiệu Omo. |
Sức hấp dẫn của giá trị lợi nhuận đưa lại khiến hàng lậu xâm nhập thị trường nội địa bằng nhiều con đường khác nhau. Số liệu thống kê của Công an Đà Nẵng cho thấy, chỉ riêng trong tháng 12-2010, lực lượng Công an thành phố đã phát hiện và bắt giữ 5 vụ tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, tạm giữ hàng hóa trị giá 2,134 tỷ đồng. Nhiều vụ vận chuyển hàng hóa lớn có giá trị từ vài chục triệu đến gần 2 tỷ đồng. Đặc biệt, có 3 vụ hàng nhập lậu, hàng cấm được phát hiện và bắt giữ tại sân bay Đà Nẵng.
Cụ thể: Ngày 17-12-2010, lực lượng Công an bắt giữ 22 kiện điện thoại di động, 1 kiện máy tính xách tay, 1 kiện thuốc tân dược, trị giá 1,7 tỷ đồng. Ngày 18-12-2010, phát hiện tại kho hàng sân bay Đà Nẵng lưu giữ 4 kiện điện thoại di động, 2 kiện màn hình ti-vi, 2 kiện máy hình vi tính, 1 kiện máy duỗi tóc, trị giá 300 triệu đồng. Ngày 25-12-2010, Công an phát hiện 490 chai nước hoa do nước ngoài sản xuất trị giá 90 triệu đồng. Phòng nghiệp vụ của Công an thành phố cho biết thêm, vào dịp cuối năm, hàng lậu không phải chỉ gia tăng ở đường hàng không mà cả đường bộ. Nhiều vụ vận chuyển thuốc lá Jet với số lượng lớn như vụ chở 2.420 gói của ô-tô mang biển kiểm soát 53S-4440 do Trạm CSGT Kim Liên bắt giữ, hay xe 47V-1969 vận chuyển 1.960 gói thuốc lá Jet do Trạm CSGT Hòa Phước bắt giữ. Bộ đội Biên phòng và Quản lý thị trường thành phố đã phát hiện kho chứa và sản xuất 2 tấn bột giặt giả nhãn hiệu Omo và 400kg bột ngọt giả nhãn hiệu AOne. Đây là vụ sản xuất hàng lậu lớn nhất từ trước tới nay mà ngành chức năng thành phố bắt giữ.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, số vụ bắt giữ hàng lậu trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây chưa phản ánh hết thực trạng buôn lậu hiện nay. Lo ngại nhất vẫn là hàng thực phẩm, bởi mặt hàng này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa có các biện pháp ngăn chặn triệt để.
Trước tình hình sản xuất và buôn bán hàng lậu ngày một gia tăng, trong cuộc họp với BCĐ 127/TP mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Tân Mão, quyết tâm đẩy lùi nạn hàng lậu, hàng giả tràn vào địa bàn thành phố, đồng thời xử lý thật mạnh tay các địa điểm, cơ sở kinh doanh đầu mối phát luồng nguồn hàng lậu.
Bài và ảnh: Duyên Anh