.

Hàng Tết phong phú

.
Tết năm nay, nhờ sự tham gia tích cực của mạng lưới các siêu thị bán lẻ với nhiều chương trình khuyến mãi lớn đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết tăng cao. Đúng như dự đoán của ngành Công thương, sức mua tăng trên 20% so với năm trước, tuy nhiên các mặt hàng thiết yếu được các tổ chức và cá nhân kinh doanh đáp ứng đủ nhu cầu, không có tình trạng khan hiếm xảy ra.
 
Mô tả ảnh.
Siêu thị Big C mở cửa từ mồng 4 Tết với nhiều chương trình khuyến mãi.
Do tâm lý người dân lo ngại ngày 30 Tết giá cả sẽ tăng cao nên hầu hết đều đổ xô mua hoa, trái cây, thịt heo, bò, gà… từ ngày 28, 29 Tết đã đẩy giá các mặt hàng này tăng cao đáng kể. Tuy nhiên, đến trưa ngày 30 Tết, giá nhiều mặt hàng đã giảm xuống một cách ngạc nhiên. Điển hình hoa lay-ơn Đà Lạt được bán với giá 80-90 ngàn đồng/bó 10 bông thì chiều ngày 30 Tết chỉ còn 20-30 ngàn đồng/chục, lay-ơn Tuy Hòa chỉ còn 15-20 nghìn đồng/bó, đặc biệt hoa ly rất nhiều và chỉ còn 70-80 nghìn đồng/bó, chuối cúng từ 60-80 ngàn đồng hạ xuống còn 15-20 ngàn đồng/nải…
 
Thịt heo mông lên đến 120 ngàn đồng rồi xuống dần còn 90-100 ngàn đồng/kg, gà làm sẵn từ 150-170 ngàn đồng/kg, thịt bò từ 250 ngàn đồng xuống còn 220 ngàn đồng/kg, giò heo và giò bò từ 220 – 280 ngàn đồng/kg. Thịt heo bán với giá bình ổn của Công ty Đắc Vinh đã thực sự để lại dấu ấn với các bà nội trợ bởi không chỉ rẻ hơn giá trên thị trường (80 ngàn đồng/kg thịt heo mông) mà còn với thái độ phục vụ tận tình của các nhân viên bán hàng. Từ ngày 25 đến 30 Tết, Công ty Đắc Vinh đã bán ra khoảng 30 tấn thịt và 2 ngày sau Tết (mồng 4 và 5), công ty tiếp tục bán ra khoảng 3 tấn thịt. Các loại hoa Tết như quất, cúc vàng rất nhiều và tiêu thụ rất nhanh, giá cũng giảm dần vào ngày cuối cùng nhưng lúc này đã hết hoa đẹp. Bánh mứt, hạt dưa, hạt dẻ giá có tăng khoảng 25% so với năm ngoái và không thiếu hàng. 3 ngày cuối năm, lượng rau, củ, quả, trái cây về chợ Đầu mối Hòa Cường tăng gấp 4 lần so với ngày thường, trung bình trên 60 tấn trái cây/ngày, la-gim gần 40 tấn/ngày.

Đưa hàng Tết về nông thôn phục vụ bà con là một trong những chương trình chăm lo Tết của thành phố. Trong 2 ngày 25 và 26 Tết, Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương phối hợp với Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng đã tổ chức các chuyến xe lưu động đưa hàng về điểm UBND xã Hòa Bắc, thôn Giàn Bí và xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Cùng thời điểm đó, Trung tâm Thông tin xúc tiến thương mại tổ chức chương trình Tết công nhân tại KCN Hòa Khánh đã thu hút rất đông công nhân và người dân vùng Hòa Vang- Liên Chiểu mua sắm với giá khá rẻ, thấp hơn thị trường từ 10% đến 15%... Đây là cái Tết thứ 2 bà con ở các địa phương này có cơ hội mua sắm nhiều hơn, không còn phải lo ngại về giá và chất lượng hàng hóa.

Sau Tết, một số siêu thị mở cửa từ mồng 3. Khác với mọi năm, từ chiều mồng 1 Tết này đã có nhiều người “mở hàng” bán rau, cá, tôm, thịt... và từ ngày mồng 2 trở đi, thực phẩm tươi sống, hoa tươi đã bán rất nhiều ở hầu hết các chợ. Tại một số chợ vào sáng mồng 2, mồng 3 và mồng 4 Tết, giá thực phẩm còn cao như rau cải xanh 8.000 đồng/bó, cải ngọt 9.000 đồng/bó, xà lách 20.000 đồng/kg, khoai tây 20.000 đồng/kg… Các loại thủy sản tôm, cá tăng từ 40-60% so với ngày thường, như tôm đất 140.000 đồng/kg (tăng 40.000 đồng/kg), cá thu 220.000 đồng/kg, cá lóc đồng 120.000 đồng/kg, cá lóc nuôi 65.000 đồng/kg... Thịt heo mông 110.000 đồng/kg, thịt bò loại 1 giá 220.000 đồng/kg, gà trống tăng lên 190.000 đồng/kg vì nhu cầu gà cúng đầu năm.

Nhìn chung, do có dự báo trước về nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết và sự chuẩn bị từ rất sớm và đầy đủ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và quan trọng hơn là cuộc sống người dân đã khấm khá hơn, đã đem lại một cái Tết vui tươi, đầy đủ.

Bài và ảnh: Duyên Anh
;
.
.
.
.
.