.

“Bão lòng” vì giá leo thang

.

Những người nắm “tay hòm chìa khóa” hiện giờ còn kiêm luôn vai trò “kế toán trưởng”, để việc thu, chi của gia đình không bị thâm hụt thái quá trong tình hình hễ ra ngõ là thấy: Cái gì cũng tăng giá.

Mô tả ảnh.
Các mặt hàng thực phẩm đều tăng giá.

Run!

Những buổi tập thể dục dưỡng sinh vào sáng sớm của nhóm bà Phạm Thị Hồng (Hòa Minh, Liên Chiểu) mấy ngày nay không chỉ là những câu chuyện xung quanh con cái, sức khỏe, hay những tràng cười ngả nghiêng với các đề tài tiếu lâm, mà giá bún, giá điện, giá gas, v.v… đã soán gần như phần lớn thời lượng. Bà Hồng tâm sự: “Mấy hồi tập xong, cả nhóm vào quán uống ly nước, có cả làm thơ tặng nhau nữa. Bữa nay ai cũng nói chuyện vật giá. Mặc dù miệng vẫn tươi cười, nhưng trong lòng đều ngấm ngầm một nỗi lo, riêng tôi thì… run”. “Ly cà-phê từ 6 nghìn lên 8 nghìn, mỳ Quảng 11 nghìn đồng/tô lên 15 nghìn đồng/tô. Điện tháng rồi 135 nghìn đồng, tháng ni 200 trở lên là cái chắc…”, bà nhẩm tính.

Không riêng bà Hồng, tất cả mọi người đều cảm nhận một sức ép không nhỏ trước tình trạng chi không khéo là... “âm” ngay. Lương không có biến động lớn, song từ những cái nhỏ nhặt nhất đều vùn vụt tăng theo xăng, dầu, điện, nước. Với những người ở trọ như chị Hà (kiệt 404 Trần Cao Vân), ngoài việc chắt bóp chi tiêu để đủ co kéo trong một tháng, gia đình chị hiện nay còn phải lên kế hoạch tiết kiệm nhiều hơn, để bù vào khoản tiền phòng trọ sắp tăng. Chị Hà cho biết: “Chủ nhà thấy mình nghèo nên thương, chưa tăng giá, nhưng ít nhiều gì thì mai mốt giá phòng cũng xê dịch đôi chút”.

Tìm kế...

Cái khó ló cái khôn. Không biết đến bao giờ lương tăng và giá giảm, nên nhiều người đã tự tìm “kế” ứng phó. Tiết kiệm, cắt giảm mọi khoản chi  là cách mà phần lớn mọi người đang áp dụng.

Với chị Hà, nhịn bữa sáng là giải pháp tối ưu. “Mấy đứa nhỏ phải đủ bữa, còn mình cứ nhịn miết. Hai vợ chồng mà ra kéo ghế làm hai tô phở hết cả 30 nghìn đồng thì con cái lấy gì ăn”, chị Hà nói. Trong khi đó, gia đình chị Lê (lô 32B5 Nguyễn Thị Thập) lại tắt hết các thiết bị điện không cần thiết. Trước đây, chị Lê để nhiều bóng đèn, bật ti-vi, máy quạt chạy hết công suất nhằm phục vụ khách vào mua hàng. Hiện nay, cả chủ và khách đều thông cảm cho nhau bởi không thể xả láng khi giá điện nhảy lên 15,28%.

Với những người không thể tiết kiệm hơn được nữa như những công nhân ngoại tỉnh, buộc họ phải tìm cách kiếm thêm việc làm để tự bù vào phần thâm hụt trong chi tiêu hằng ngày. Bạn Dương (21 tuổi, Công ty Con đường xanh) cùng 6 nữ công nhân khác đã đầu quân vào một quán cà-phê gần công ty để làm ca tối. Các bạn làm từ 19 đến 22 giờ, thu nhập 700 nghìn đồng/tháng. Riêng Dương làm cả những ngày nghỉ, được trả thêm 50 nghìn đồng/ngày. Phải làm quần quật nên hầu như các bạn không có thời gian để… thở. Song chỉ còn cách chịu khó thế này, cộng với lương công nhân, họ mới tạm đủ chi cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Bài và ảnh: THU HOA

 

;
.
.
.
.
.