.

Bài toán tiết kiệm điện và phát triển sản xuất

.
Thực trạng của ngành điện hiện nay là tốc độ phát triển nguồn điện luôn thấp hơn tốc độ phát triển phụ tải. Do vậy, tiết kiệm điện đã trở thành vấn đề “nóng” hiện nay. Song tiết kiệm điện cũng đồng nghĩa với hạn chế sản xuất. Giải quyết bài toán này một cách hợp lý để đạt được cả 2 mục tiêu là vừa tiết kiệm điện vừa phát triển sản xuất, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của ngành điện, các doanh nghiệp và mỗi người dân.

Mô tả ảnh.
Ngành dệt cần nguồn điện ổn định.
 
Vừa qua, các Điện lực thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã họp với các khách hàng tiêu thụ điện lớn, chủ yếu là các doanh nghiệp để thông báo việc cung cấp điện, cắt điện luân phiên do nguồn điện trong năm nay dự báo sẽ thiếu hụt nghiêm trọng hơn năm 2010. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đã tự động hóa, bán tự động hóa, cơ khí hóa toàn bộ quá trình sản xuất, vì vậy, cắt điện đồng nghĩa với ngừng sản xuất, hạn chế sản xuất. Tuy nhiên, nếu có lịch cắt điện chủ động, hợp lý, thông báo trước thì các cơ sở vẫn có thể chủ động tổ chức sản xuất một cách hợp lý.

Trong thực tế, một số cơ sở sản xuất có tính đặc thù và quy trình công nghệ, nên việc cắt điện sẽ ảnh hưởng lớn, như sản xuất thép, xi-măng, cao su. Đối với sản xuất thép, mỗi khi lò thép được đốt lên thì phải sản xuất liên tục 24/24 giờ và trong thời gian nhất định (nhiều ngày) mới ngừng lò để sửa chữa, hoặc gia cố… Vì vậy, nếu cắt điện giữa chừng thì thiệt hại rất lớn do mẻ thép chưa được nấu chín sẽ bị đông cứng trở lại. Để lò hoạt động bình thường, phải chờ nguội mới xử lý được, rất tốn kém, nhiều khi phải phá bỏ cả lò. Đối với sản xuất xi-măng, khi đưa vài chục tấn nguyên liệu vào lò nung ở nhiệt độ tương đương với 1.000 độ C, nếu bị cắt điện giữa chừng thì ngoài việc phải đổ đi toàn bộ nguyên liệu đã cho vào lò, còn phải khắc phục sự cố rất tốn kém. Tương tự như vậy, khi nấu một mẻ cao su bị mất điện giữa chừng sẽ tổn thất rất lớn cho doanh nghiệp.

Đại điện Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho biết, là đơn vị sử dụng điện lớn (30 triệu kWh/năm) và điện cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong giá thành của sản phẩm, vì vậy công ty đã đầu tư công nghệ, xây dựng phương án sản xuất hợp lý nhất có thể, trong đó ưu tiên sản xuất ca 3 để được hưởng ưu đãi về giá. Tuy nhiên, việc cắt điện phải được thông báo sớm hơn nữa để công ty điều chỉnh sản lượng và tổ chức sản xuất cho hợp lý. Nói cách khác là kế hoạch cắt điện phải  phù hợp với đặc thù sản xuất của từng ngành. Ý kiến này đã được rất nhiều doanh nghiệp đồng tình. Chẳng hạn như ngành dệt may, da giày… không thể tổ chức sản xuất liên tục vào ca 3 mãi được, vì làm việc vào thời điểm này con người sẽ mệt mỏi, năng suất và chất lượng lao động không cao, sản phẩm sẽ hỏng nhiều, trong khi sản phẩm của các ngành này đòi hỏi sự chính xác cao.

Ông Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Điều độ Điện lực Đà Nẵng cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa đẩy mạnh sản xuất vừa thực hiện tiết kiệm điện, công ty đã có kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sản xuất có tính đặc thù, để có lịch cắt điện phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do việc cắt điện gây ra. Chẳng hạn như đối với các cơ sở sản xuất xi-măng, cao su… sẽ có lịch cắt điện từng bộ phận và có thông báo trước phù hợp với quy trình sản xuất của đơn vị. Tuy nhiên, việc cắt điện còn phụ thuộc vào sự cung cấp điện từ nguồn điện quốc gia, trong khi các trạm điện đang tự động hóa việc điều khiển, có nghĩa là trạm điện tự động ngắt điện nếu lưới điện không an toàn. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho sản xuất, chủ động tổ chức sản xuất, việc tìm kiếm các nguồn điện thay thế vẫn là giải pháp quan trọng nhất để giải quyết hài hòa việc tiết kiệm điện nhưng vẫn bảo đảm phát triển sản xuất.

Bài và ảnh: Đức Thịnh
;
.
.
.
.
.