Không chỉ có tiểu thương buôn bán ở Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng (chợ Cồn) mà ngay cả người dân và du khách hằng ngày đến chợ mua sắm đều có chung tâm trạng lo lắng về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của chợ.
Năm 2010, thành phố và tiểu thương đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để sửa chữa chợ Cồn. |
Ông Huỳnh Ngọc Quý, Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Cồn cho biết, hiện khu chợ này có hơn 2.000 hộ kinh doanh với đủ các mặt hàng, chưa kể đến lượng người ra vào chợ mua sắm mỗi ngày ước khoảng 10.000 lượt. Tính ra mỗi năm, các hộ kinh doanh ở chợ Cồn đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng và hiện tình hình buôn bán ở đây vẫn diễn ra rất nhộn nhịp, bất kể những năm gần đây có sự xuất hiện hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại tại Đà Nẵng.
“Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là khu chợ này đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động buôn bán của tiểu thương”, ông Quý nói.
Ông Quý cho biết, công trình xây dựng chợ Cồn thành Trung tâm Thương nghiệp được chọn là công trình chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, thi công với tiến độ khá nhanh cho kịp thời gian. Qua hàng chục năm sử dụng, hiện tại hầu hết các tòa nhà, đình chợ và nhiều khu vực khác đã bị rạn nứt nhiều chỗ, các điều kiện về hạ tầng như điện, nước, vệ sinh, phòng chống cháy nổ… khó bảo đảm. Chẳng hạn, tòa nhà 3 tầng trước mặt đường Hùng Vương hiện cả bên trong và bên ngoài xuất hiện nhiều vết nứt trên dầm, sàn bê-tông… Theo các hộ kinh doanh ngành hàng vải tại tầng 2, mặc dù chợ xuống cấp nhưng do lợi thế là chợ nằm ở trung tâm thành phố nên hoạt động buôn bán gặp thuận lợi hơn so với các chợ khác. “Thế nhưng buôn bán ở đây cứ như ngồi trên đống lửa. Nếu xảy ra sự cố không biết hậu quả sẽ như thế nào. Mong sao thành phố sớm xây dựng lại chợ càng sớm càng tốt” - chị Lý, chủ quầy kinh doanh hàng vải tại tầng 2 nói.
BQL chợ Cồn cho biết, vào đầu năm 2007, Công ty Quản lý các chợ Ðà Nẵng (nay là Công ty Quản lý Hội trợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng) đã có kiến nghị với thành phố cần khẩn trương xây dựng lại chợ Cồn để bảo đảm an toàn. Và theo kế hoạch này, thiết kế xây dựng chợ được hoàn thành trong năm 2008, tuy nhiên đến thời điểm này, bản thiết kế xây dựng chợ vẫn chưa được phê duyệt. Và để giảm thiểu nguy hiểm, BQL chợ Cồn đã ra quy định khống chế lượng hàng hóa của các hộ buôn bán tại đây, đồng thời hằng năm thành phố cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng để sửa chữa những khu vực hư hỏng.
Riêng năm 2010, khi thông tin về xây dựng chợ mới chưa biết khi nào sẽ thực hiện, thành phố đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để tiếp tục sửa chữa những khu đình hư hỏng. Ngoài ra, BQL chợ cũng vận động các tiểu thương đóng góp được gần 3 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp những khu vực chợ xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài, nhất thiết phải sớm xây dựng chợ mới. “Vậy khi nào sẽ xây lại chợ Cồn?”, ông Quý trả lời: “Vấn đề này phải chờ thành phố quyết định. Nhưng hiện tại, cả BQL và hàng nghìn tiểu thương kinh doanh tại chợ Cồn đều có chung mong muốn là thành phố nên sớm xây dựng lại chợ Cồn”.
Bài và ảnh: Trọng Hùng