.

Chuyển đổi mô hình hoạt động thành công

.
HTX dịch vụ-sản xuất-kinh doanh tổng hợp (gọi tắt là HTX) Hòa Cường trước đây là HTX nông nghiệp được thành lập năm 1978. Nay đất sản xuất không còn, HTX đã chuyển đổi, phát triển theo mô hình quản lý chợ. Sau gần một năm hoạt động, bước đầu có hiệu quả.

Mô tả ảnh.
Tiểu thương yên tâm buôn bán.
Trước đây, nông nghiệp là nghề chính của bà con xã viên trong HTX, với 116 hecta đất sản xuất nông nghiệp và hơn 46 hecta diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Hằng năm cung cấp một lượng lớn sản phẩm nông nghiệp ra thị trường. Từ năm 1997, thành phố Đà Nẵng đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, sản xuất nông nghiệp thu hẹp dần, bà con xã viên tìm nhiều việc làm khác. Năm 2008, Ban Chủ nhiệm HTX đã mạnh dạn đưa ra phương án đầu tư kinh doanh chợ và được UBND thành phố chấp thuận, giao đất (không thu tiền đất trong thời gian 15 năm) cho HTX đầu tư xây dựng chợ Hòa Cường ở khu dân cư số 2 - Nguyễn Tri Phương, với tổng diện tích hơn 3.000m2.
 
Năm 2009, HTX thành lập Ban Quản lý Dự án xây dựng chợ Hòa Cường theo mô hình xã hội hóa để thu hút nguồn vốn. Tháng 5-2010, chợ đi vào hoạt động với hơn 200 hộ tiểu thương từ chợ tạm Nam Sơn và một số chợ cóc lân cận vào kinh doanh. Đến nay, HTX kinh doanh bước đầu có hiệu quả: Với nguồn vốn đầu tư ban đầu là 5,4 tỷ đồng, HTX đã thu hơn 3,4 tỷ đồng, còn lại gần 1,6 tỷ đồng sẽ thu hồi dần. Xã viên và con em xã viên đã có việc làm ổn định, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/tháng/người; góp phần giải quyết nạn chợ cóc, chợ tạm, xây dựng văn minh thương mại trên địa bàn.

Chị Lưu Thị Hân (bán hàng quần áo), cho biết: “Trước đây, không có chỗ bán hàng, bọn em phải chạy đôn chạy đáo đi nhiều nơi buôn bán, khi chợ tạm Nam Sơn, khi chợ Đống Đa... HTX thành lập chợ Hòa Cường, em được vào kinh doanh tại chợ. Cuộc sống ổn định, thu nhập cũng khá hơn”. Chị Lê Thị Minh Ngọc (bán hàng tạp hóa) nói rằng: “Trước đây, buôn bán ở chợ tạm lộn xộn, nhếch nhác, môi trường ô nhiễm, nhất là vào mùa mưa. Nay chuyển vô đây cao ráo, sạch sẽ, chúng tôi yên tâm buôn bán, không lo mưa bão, mất vệ sinh”. Ông Nguyễn Văn Truyền, thành viên Đội bảo vệ chợ Hòa Cường cho biết: “Trước đây, tôi là xã viên của HTX nông nghiệp cũ. Sau khi thành phố thu hồi đất, mất mấy năm long đong làm hết việc này qua việc khác, đến nay, HTX thành lập chợ Hòa Cường, bà con xã viên có công ăn việc làm, tuy mức lương không cao nhưng ổn định nên ai nấy đều phấn khởi”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy chợ Hòa Cường khá khang trang, đầy đủ các ngành hàng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân như bán tạp hóa, đồ gia dụng, áo quần, vải, đồ lưu niệm, hàng may đo, giày dép, gia vị, bao bì, thực phẩm, ăn uống, hoa, trái cây... HTX đã bố trí các ngành hàng hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiểu thương buôn bán.

Nói về những dự kiến trong hoạt động kinh doanh chợ, ông Nguyễn Phan Yên, Chủ nhiệm HTX kiêm Trưởng BQL chợ Hòa Cường cho biết: “Sắp tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư để phục vụ hoạt động kinh doanh, kết hợp chặt chẽ với các hộ tiểu thương tạo các hoạt động marketing, khuyến khích khách hàng đến chợ. Đồng thời, tiếp tục mở rộng hoạt động tín dụng nội bộ, hỗ trợ hộ tiểu thương (xã viên) vay vốn. Tổ chức các hoạt động kinh doanh tạo nguồn thu cho HTX như liên doanh, liên kết tạo nguồn hàng, cho thuê kho hàng, quảng cáo ngoài trời, trực tiếp kinh doanh một số ki-ốt... Mong muốn của chúng tôi là thành phố hỗ trợ mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý HTX về chuyên môn, luật pháp, mô hình kinh tế tập thể”.

Hình thành chưa đầy một năm nhưng các hoạt động kinh doanh, hoạt động xã hội được HTX triển khai hiệu quả. Năm 2010, HTX được Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng khen. Vừa qua, các tiểu thương quyên góp được hơn 2,4 triệu đồng ủng hộ nhân dân Nhật Bản. HTX sẽ đề nghị các cấp thành lập chi bộ Đảng, Chi hội Phụ nữ để tạo thuận lợi cho HTX hoạt động hiệu quả và bền vững.

Bài và ảnh: Thanh Tình
;
.
.
.
.
.