Như vậy là đã bước sang năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30-10-2007 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về Phương hướng củng cố, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2007-2015.
Theo đó, hoạt động của các HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp (gọi tắt là HTX) đã được tiếp sức bằng các chính sách khả thi như hỗ trợ về vốn, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển ngành nghề, thực hiện BHXH và giải quyết chế độ cho cán bộ công tác lâu năm, giải quyết công nợ, hỗ trợ thành lập mới, chuyển giao tiến bộ KHKT, thực hiện chính sách về đất đai… Đến nay, hầu hết các HTX đã trụ vững trước sóng gió của cơ chế kinh tế thị trường, một số có phát triển, tuy vậy vẫn còn nhiều HTX chưa thoát ra khỏi sự bế tắc trong hoạt động, thậm chí trì trệ, kém hiệu quả.
Số liệu từ Sở NN&PTNT, đến năm 2010, trên địa bàn thành phố có 25 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 33.075 xã viên. Các HTX này thực hiện các dịch vụ cho xã viên như làm đất, thu hoạch nông sản, thủy lợi, vật tư phân bón, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, thú y, sản xuất lúa giống là chủ yếu… Theo đánh giá của ngành chức năng, 6 HTX hoạt động khá, làm ăn có lãi, mức lãi bình quân 36 triệu đồng/ HTX, 15 HTX ở mức trung bình và 4 HTX mới thành lập chưa đủ cơ sở xếp loại. Trong 3 năm qua, đã có 5 người tốt nghiệp đại học về công tác tại các HTX và đã hỗ trợ 1 lần cho 61 cán bộ công tác lâu năm tại các HTX với tổng số tiền 586 triệu đồng. Các cán bộ HTX đã dự 6 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng thực hiện nhiệm vụ được giao. 2 HTX là Hòa Phong 2 và Hòa Nhơn 1 đã được hỗ trợ kinh phí mỗi HTX 5 triệu đồng để giải quyết công nợ.
Nhiều HTX được hỗ trợ vốn đầu tư cho sản xuất, phát triển ngành nghề như HTX Hòa Phong 2 (Hòa Vang) được hỗ trợ 20 triệu đồng đầu tư cho cơ sở sản xuất bánh tráng Túy Loan, HTX rau La Hường (Cẩm Lệ) được hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng quầy hàng bán rau an toàn, HTX Hòa Thọ Tây (Cẩm Lệ) được hỗ trợ 20 triệu đồng xử lý ô nhiễm môi trường tại lò giết mổ gia súc tập trung. Các HTX Hòa Tiến 2, Hòa Phong 2 được hỗ trợ mỗi HTX 50 triệu đồng để cơ giới hóa sản xuất lúa giống. HTX Hòa Hiệp được mượn 210 triệu đồng để nâng cấp máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất… 3 HTX rau La Hường, Hòa Liên, Hòa Phú (Hòa Vang) cũng được hỗ trợ 70 triệu đồng để thành lập mới. Ngoài ra, ngân sách thành phố cũng đã dành 140 triệu đồng để tạo điều kiện cho 8 HTX khác củng cố bộ máy và nâng cấp cơ sở vật chất. Các HTX cũng được hỗ trợ 150 triệu đồng để xúc tiến thương mại… Nhiều cán bộ HTX được đi tham quan các mô hình ở Đà Lạt và miền Tây Nam bộ.
Có thể nói, các HTX đã được quan tâm bằng những chính sách cụ thể và thiết thực. Từ đó, một số HTX đã vươn lên khẳng định được vị thế của mình ở khu vực nông thôn, là chỗ dựa tin cậy của đông đảo xã viên. Hiện nay, có 14 HTX làm dịch vụ thủy nông, làm đất và thu hoạch, 9 HTX làm dịch vụ vật tư nông nghiệp và 4 HTX sản xuất lúa giống. HTX Hòa Tiến 1 liên tục là đơn vị dẫn đầu nhờ đầu tư và tổ chức sản xuất lúa giống. Năm 2010 doanh thu đạt 3,7 tỷ đồng. Hoặc như HTX Hòa Tiến 2 doanh thu cũng đạt 1,2 tỷ đồng/năm nhờ mở thêm dịch vụ giết mổ gia súc, HTX sản xuất nấm An Hải Đông cũng đã có lãi sau thời gian dài bị thua lỗ… Các HTX mạnh dạn mở thêm hoạt động ngoài nông nghiệp đều có cơ hội tồn tại và phát triển hơn các HTX chỉ thực hiện đơn thuần dịch vụ nông nghiệp cho xã viên.
Một thực tế là hiện còn khá nhiều HTX làm ăn kém hiệu quả, thậm chí hữu danh vô thực. Nguyên nhân của tình trạng này là do sản xuất nông nghiệp thu hẹp, dịch vụ cho sản xuất ít dần, các HTX mất dần vị thế là chỗ dựa của xã viên, từ đó không có nguồn thu, dẫn tới hoạt động cầm chừng. Đó là chưa nói, dịch vụ của HTX liên tục bị sức ép cạnh tranh quyết liệt từ thị trường khá thuận lợi và phong phú. Khá nhiều xã viên mua sắm vật tư, thiết bị không qua dịch vụ của HTX. Một số HTX tiêu thụ nông sản chưa khẳng định được vị thế trên thị trường mặc dù được hỗ trợ để xúc tiến thương mại. Mục tiêu xây dựng HTX phát triển ngành nghề, làng nghề và dịch vụ mới ở nông thôn như tinh thần Nghị quyết 02 đặt ra cơ bản chưa đạt được. Các HTX mới thành lập yếu kém hơn các HTX có nền tảng từ lâu. Mô hình HTX sản xuất chuyên canh, gắn sản xuất với thị trường chưa khẳng định được trên thực tế. Đội ngũ cán bộ và phương thức hoạt động của HTX chậm đổi mới, chủ yếu vẫn đội ngũ cán bộ cũ và lề lối làm việc cũ. Không ít HTX có nguy cơ rơi vào tình trạng yếu kém, nợ nần.
Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục PTNT và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, đơn vị trực tiếp quản lý chỉ đạo hoạt động của HTX nông nghiệp không phủ nhận thực trạng không lấy gì lạc quan của các HTX hiện nay. Theo ông, xét về mặt xã hội, HTX có ý nghĩa rất lớn đối với xã viên, đây là thành phần kinh tế tập thể ở nông thôn, cần phải tạo điều kiện để phát triển và khẳng định vị thế. Cùng với các chính sách của UBND thành phố đã triển khai, rất cần các chính sách mới khả thi, hiệu quả hơn, nhất là vốn đầu tư cho việc củng cố, xây dựng và phát triển HTX…
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu