Hiện trạng chợ tràn đường hay biến đường thành chợ không còn là hình ảnh lạ trên địa bàn thành phố bấy lâu nay. Chính quyền đã quyết liệt dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm, chợ tràn đường… Tuy nhiên cho đến nay, hiện trạng trên vẫn còn diễn ra khắp các địa bàn quận, huyện.
Chợ “cóc” trên đường Hồ Tùng Mậu. |
Chợ “cóc”: Chưa thể dứt điểm dẹp bỏ
Hiện toàn thành phố tồn tại 130 chợ cóc, chợ tạm. Cuối năm 2010, thành phố ra quyết định quyết liệt dẹp bỏ tình trạng chợ cóc, chợ tạm với 45 chợ được lên danh sách “khai tử” trong 2 năm 2010 và 2011. Như vậy, chưa xét đến kết quả trong việc xóa bỏ chợ cóc đối với 45 chợ nói trên, sau năm 2011 vẫn còn 85 chợ cóc hoạt động.
Từ khi quyết định của thành phố về việc dẹp bỏ chợ cóc có hiệu lực, quận Hải Châu là địa phương đầu tiên có báo cáo lên Sở Công thương. Theo đó, các hộ buôn bán tại các chợ cóc bị dẹp bỏ trước đây trên địa bàn quận sẽ dồn về tại chợ Đa Phước (chợ tư nhân) để kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương cho biết: “Đây là một hướng làm tích cực và hợp lý đối với việc xóa bỏ chợ cóc”. Tuy nhiên, ngoài Hải Châu, liệu các quận khác có được giải pháp hợp lý trên? Mới đây, UBND thành phố đã phê duyệt, quyết định cho xây dựng chợ Hòa Mỹ (Hòa Minh - Liên Chiểu) với tổng kinh phí 14 tỷ đồng. Đây là nỗ lực xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn quận Liên Chiểu cũng như giảm áp lực cho chợ Hòa Khánh. Ngoài hai quận trên thì các quận, huyện khác chưa có giải pháp nào hợp lý. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Hòa Vang có đến 20 chợ thì phần lớn là chợ tạm. Điển hình như xã Hòa Châu, có đến 6 chợ tạm hoạt động (Hòa Châu chưa có chợ chính).
Nhu cầu buôn bán, kinh doanh của người dân là thường xuyên, nhưng ý thức của họ chưa cao trong tụ tập buôn bán, cộng với quá trình quy hoạch chợ chưa tốt dẫn đến tình trạng chợ cóc, chợ tạm mọc lên tràn lan. Với đặc điểm chợ “cóc” giống như phiên chợ quê, hàng hóa chủ yếu là mớ rau, con cá, những thứ hàng lặt vặt; những người buôn bán không có vốn lớn, đa số là lớp “thị dân mới” sau khi các dự án mới trải lên đồng ruộng, buộc họ phải “thả quần xắn” để lên phố buôn bán. Vấn nạn chợ cóc tồn tại gây mất mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, nếu ngành chức năng quyết ra tay “triệt tiêu” chợ cóc, chợ tạm và cuộc “truy quét” này có hiệu lực trong khi chợ mới chưa kịp ra đời cũng đồng nghĩa với việc nhiều hộ gia đình buộc phải “treo niêu” (!).
Chợ tràn đường
Chợ tràn đường tại chợ Thanh Khê 1. |
Cùng với tình trạng chợ “cóc” là chợ lấn đường, tràn đường đang tạo những khó khăn cho việc giải bài toán “mỹ quan đô thị”, “văn hóa thương mại” của một thành phố phát triển. Rảo khắp các chợ trên địa bàn các quận, huyện không khó để nhận ra cảnh bát nháo, đặc biệt là các chợ loại 2, loại 3, “chợ cóc” do các phường quản lý. Chợ Thái Thị Bôi thuộc phường Chính Gián, chợ Thanh Khê 1 thuộc phường Hòa Khê và ngay cả chợ loại 1 như Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc), chợ Đống Đa (phường Thuận Phước)… là những điển hình. Theo BQL chợ Hòa Khánh, hiện tại chợ này đã quá tải, không thể tiếp nhận thêm các hộ vào chợ để kinh doanh.
Trong khi đó, các hộ trong chợ cần mở rộng quy mô; những hộ mới có nhu cầu vào buôn bán trong chợ là rất lớn. Một nguyên nhân nữa là bên cạnh tình trạng thiếu không gian trong chợ để buôn bán thì việc các hộ kinh doanh ngoài chợ nhiều khi lợi dụng “thương hiệu chợ” để mon men sát chợ buôn bán (do không phải đóng thuế). Ông Lê Ngọc Thạnh, Giám đốc Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng lấy dẫn chứng ở chợ Đống Đa: “Nhiều hộ kinh doanh ngoài chợ, không thuộc quản lý của BQL chợ, đa số các hộ này lợi dụng chợ để “nhờ” kinh doanh dẫn đến chợ tràn đường”. Theo ông Thạnh, hầu hết các chợ trên địa bàn của thành phố đều trong tình trạng quá tải. Giải pháp tốt nhất là nâng tầng các chợ, mở rộng quy mô và xây dựng chợ mới. .
Với thực trạng chợ “cóc”, chợ “tràn đường” như hiện nay là rào cản lớn cho bài toán xây dựng “thương hiệu chợ truyền thống”, “văn hóa thương mại” trong chợ đối với thành phố. Và bài toán này chẳng biết đến bao giờ có đáp án?
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Trọng Huy