.
Quy hoạch chợ: Còn nhiều bất cập

Bài 2: Văn hóa thương mại trong chợ: Bao giờ?

.
Xây dựng “văn hóa thương mại” trong chợ không phải là điều bất khả thi. Hiện trên toàn thành phố mới chỉ duy nhất có chợ Hàn đạt được tiêu chuẩn “văn hóa thương mại” trong chợ (đối với chợ truyền thống). Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng trong chiến lược xây dựng thương hiệu cho chợ truyền thống. Mặc dù vậy, qua tìm hiểu thực trạng phát triển các chợ hiện nay, câu hỏi “Bao giờ có văn hóa thương mại trong chợ?” vẫn chưa có lời đáp.

Mô tả ảnh.
Hành lang thông thoáng tại chợ Hàn.
 
Nhu cầu đi chợ truyền thống cao

Theo ông Lê Ngọc Thạnh, mặc dù hiện nay nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị ra đời nhưng cũng không thể thay thế được vai trò của chợ truyền thống đối với nhu cầu của người dân. Chính vì thế, việc phát triển chợ truyền thống là cần thiết, đồng thời phải xây dựng “văn hóa thương mại” trong chợ, dần dần tạo thương hiệu đối với từng chợ, từng gian hàng, mặt hàng để phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân. Đây cũng chính là cách để cạnh tranh lành mạnh với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đang ngày càng nở rộ. Nếu các chợ truyền thống không tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng thì việc “mất khách” là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, qua khảo sát chúng tôi thấy, “văn hóa thương mại” trong các chợ hiện nay còn rất hạn chế. Thử trong vai người đi chợ tới các điểm chợ phường thuộc các chợ loại 2, 3 và kể cả chợ loại 1 sẽ thấy rõ. Sau một lúc “kỳ kèo bớt một thêm hai” lập tức ngôn ngữ chợ búa được mấy chị bán hàng xổ ra chẳng cần quan tâm người mua (dù đã được chuẩn bị tâm lý) đứng ngẩn người vì quá bất ngờ và “chịu trận”. Tại một số chợ lớn hơn, vào trong các sạp hàng có lô cố định để ngã giá kỳ nèo, tình cảnh người đi mua hàng “ky bo” cũng không mấy khả quan. Cái cười tươi rói khi chào hàng được thay bằng cái bĩu môi, lời ì xèo chẳng một chút thiện cảm khi rời khỏi gian hàng. 

Nhu cầu đi chợ truyền thống trước hết thể hiện ở tâm lý, thói quen của đa số người dân, mặt khác nó cũng tiện lợi hơn so với siêu thị. Vấn đề đặt ra là cần phải có nghệ thuật “giữ chân khách”, đó là tạo ra thương hiệu gắn liền với “văn hóa thương mại” trong các chợ.

Văn hóa thương mại trong chợ?

Bán hàng có niêm yết giá, không nói thách, không chửi khách khi khách không mua. Hành lang kinh doanh thông thoáng, môi trường kinh doanh thân thiện, hàng hóa bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ, thái độ, cung cách phục vụ niềm nở, có văn hóa… là những tiêu chí để đạt “văn hóa thương mại” trong chợ. Cùng với chủ trương xã hội hóa các chợ của thành phố, từ năm 2007, Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng cùng với BQL chợ Hàn (trực thuộc công ty) đã phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch để xây dựng chợ Hàn thành chợ truyền thống đạt các tiêu chí trên. Theo đó, chợ Hàn cơ bản là kinh doanh, nhưng đồng thời cũng là điểm đến du lịch của du khách thập phương khi đến Đà Nẵng.
 
Tại chợ đã có trạm thông tin du lịch trên địa bàn thành phố để tạo điều kiện cho du khách tham quan tìm hiểu. Bên cạnh giới thiệu, buôn bán các nhu yếu phẩm hằng ngày, chợ Hàn còn là nơi du khách đến Đà Nẵng tìm mua những món hàng đặc sản mang đậm đặc trưng vùng miền một cách tin cậy. Một dẫn chứng cụ thể được ông Trưởng BQL chợ Nguyễn Đình Sáu đưa ra: Có một đoàn khách du lịch Hà Nội, trong một lần ghé chợ để mua hàng, sau khi về Hà Nội thì “kết” luôn thứ đặc sản này. Rồi cứ thế, hằng tháng đặt hàng qua điện thoại với giá cả đã được niêm yết, người bán chuyển hàng đến địa chỉ người mua, người mua chuyển tiền qua tài khoản người bán tạo nên nét văn hóa kinh doanh rất chuyên nghiệp. Theo ông Sáu, vào mùa du lịch, mỗi ngày chợ Hàn đón trên 2 ngàn khách trong và ngoài nước. Để có được kết quả tích cực đó, người kinh doanh trong chợ phải bảo đảm được yếu tố “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

Thế nhưng, hiện nay toàn thành phố còn 59 chợ loại 3, 18 chợ loại 2 và chỉ có 8 chợ loại 1 trong tổng số 85 chợ (chưa kể hệ thống chợ “cóc” dày đặc) đang là thách thức lớn cho việc xây dựng “văn hóa thương mại” trong chợ.

Bài và ảnh: Trọng Huy
;
.
.
.
.
.