.

Vốn cho ngư dân

.
Đối với sản xuất trên biển, ngoài con tàu, ngư lưới cụ trị giá tiền tỷ, mỗi chuyến biển ngư dân còn phải đầu tư hàng chục triệu đồng. Với họ, vốn vô cùng cần thiết. Thế nhưng nhiều năm nay, ít chủ tàu tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng. Thiếu vốn, không chỉ tàu thuyền ít nâng cấp, đóng mới mà việc chuyển đổi nghề đánh bắt rất khó thực hiện. Ít được đầu tư, xu hướng ngư dân lui về gần bờ, đánh bắt theo kiểu cò con khá phổ biến. 

Mô tả ảnh.
Ngư dân Nam Ô 2 đánh bắt hải sản bằng thúng máy hiệu quả kinh tế không cao.
 
Hơn chục năm trước, Chính phủ đã có hẳn chương trình đóng mới tàu đánh bắt xa bờ với số vốn cho ngư dân cả nước vay dài hạn lãi suất ưu đãi lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Riêng thành phố Đà Nẵng, Quỹ Hỗ trợ phát triển cho vay 56 tỷ đồng để thực hiện 42 dự án tàu đánh bắt xa bờ. Đáng tiếc, chương trình này mấy năm sau phải “cáo chung” vì nhiều nguyên nhân. Sau đó, ngành ngân hàng không còn mạnh dạn cho ngư dân vay theo kiểu thế chấp tài sản bằng tàu cá nữa. Thời gian gần đây, mỗi khi ngư dân có nhu cầu vay vốn, ngân hàng cân nhắc, thẩm định thật kỹ. 

Ông Ngô Lành, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Trước đây, ngân hàng tạo điều kiện cho ngư dân thế chấp bằng chính con tàu họ đang đánh bắt để vay vốn. Kiểu cho vay này, thu hồi vốn không đơn giản. Rất ít ngư dân tự giác trả nợ dẫn đến nợ xấu khá cao. Hơn nữa, hoạt động sản xuất trên biển lắm rủi ro, hiệu quả thất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hồi nợ. Tính đến nay, dư nợ của ngư dân tại đơn vị khoảng 80 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 15-20%. Cũng vì lẽ đó, từ năm 2002 đến nay không áp dụng thế chấp tài sản bằng tàu để vay vốn.

Ông Nguyễn Văn Còn A, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà (Thanh Khê) cho biết: Toàn phường hiện chỉ còn 42 tàu đánh bắt hải sản. Đến nay, hầu như 100% chủ tàu cá đều đang dư nợ tại ngân hàng. Cũng vì vậy, hiện tại họ rất cần vốn mà không thể vay tiếp. Theo ông, ngân hàng không khó khăn với ngư dân. Nếu ai có dự án đóng mới hay nâng cấp tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, có thế chấp tài sản bằng nhà đất thì vẫn vay bình thường. Đáng tiếc, đa số chủ tàu đã thế chấp tài sản để vay. Một phần cũng do đánh bắt thời gian gần đây kém hiệu quả, việc trả nợ không dễ. Ông Lê Văn Thuận, thuyền trưởng tàu ĐNa 90149 ở phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà) cho hay, đánh bắt bằng nghề giã cào nhiên liệu tiêu hao nhiều mà thu nhập thấp. Muốn chuyển sang nghề lưới cản, chí ít phải có 600-700 triệu đồng đầu tư giàn lưới. Số tiền lớn như vậy lấy đâu ra, nếu không vay mượn.
 
Vay vốn ngân hàng không được vì không có thế chấp. Vay ngoài lãi suất cao, có khi nợ chồng lên nợ. Với các tàu công suất nhỏ, chỉ cần chục triệu đồng để nâng cấp phương tiện đang đánh bắt, song biết lấy đâu khi ngân hàng gần như đóng cửa đối với ngư dân, như ở Mân Thái. Ông Lê Văn Cảnh, lão ngư ở phường này tâm sự: Năm nay mất mùa ruốc, cá cơm, đời sống vô cùng khó khăn. Nếu có vài ba chục triệu đồng cũng mạnh dạn chuyển đổi nghề vươn ra tuyến lộng may ra có thêm thu nhập, song đành chịu. Nay chấp nhận kiểu đánh bắt cò con, chiều tối ra biển, sáng hôm sau về, thu nhập vừa đủ cho đời sống hằng ngày. 

Có thể nói, vốn cho ngư dân đang là bài toán chưa lời giải. Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định 41 về tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp không đề cập gì đến ngư dân. Hiện nay thực hiện Quyết định 63 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản, thủy sản, liệu ngư dân có tiếp cận được?

Nhằm giải quyết khó khăn về vốn cho hoạt động đánh bắt hải sản, Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng trong tờ trình gửi lãnh đạo thành phố và các ban, ngành liên quan đã kiến nghị: Mỗi năm thành phố nên dành ra 1,5-2% tổng chi ngân sách để xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá. Quỹ này dành 30% để hỗ trợ ngư dân, 70% cho ngư dân vay để cải hoán, nâng cấp, đóng mới tàu thuyền và mua sắm ngư lưới cụ… Đây là kiến nghị hợp tình hợp lý và cần thiết, hy vọng chính quyền thành phố và các cơ quan liên quan lưu tâm. Bởi đầu tư cho nghề cá không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế mà còn có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đó là góp phần bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc…

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu
;
.
.
.
.
.