.

Bất ổn giết mổ gia súc - Kỳ 2: các bên liên quan nói gì?

.

Không phải hiện tại mà tình trạng mất vệ sinh tại Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm Đà Sơn diễn ra từ nhiều năm nay.

 

Mô tả ảnh.
Thịt heo sau khi lăn dấu được người ta quẳng ra phía ngoài trước khi chở đi.

 

Còn nhớ, sáng 29 Tết Tân Mão, có mặt vào hồi cao điểm, chứng kiến cảnh giết mổ heo quá xô bồ, chúng tôi đã kinh hãi về vệ sinh thực phẩm tại cơ sở được đầu tư bài bản nhất trên địa bàn thành phố. Ngay hôm đó, những điều tai nghe mắt thấy, cùng các ý kiến phản ánh khá gay gắt của các chủ hộ giết mổ tại đây được chúng tôi trao đổi với lãnh đạo đơn vị chủ quản và cơ quan chức năng. Cứ nghĩ sau bận đó, tình hình giết mổ tại đây sẽ chuyển biến tốt hơn. Không ngờ, tình trạng vẫn y nguyên như cũ.

Thấy chúng tôi vào tận nơi giết mổ chụp ảnh, nhiều người kéo đến trút sự bức xúc. “Giết mổ kiểu này gọi là an toàn thực phẩm sao được, quá ô nhiễm nữa là khác”, bà Nguyễn Thị Mỹ, ở phường Hòa An (Cẩm Lệ), chủ hộ giết mổ 40 con/ngày đêm, lên tiếng. Nói xong bà bảo chúng tôi phản ánh cho cơ quan chức năng biết, chứ tình trạng này diễn ra quá lâu rồi mà đâu có khắc phục. Chỉ tay xuống nền nhà nhầy nhụa lông và phân heo, bà cao giọng: “Ô nhiễm hết chỗ nói. Ai đời giết mổ hàng chục con heo chỉ trong phạm vi mấy chục mét vuông, xả phân ngay tại đó. Trong chuồng nhốt heo nước rất yếu. Heo không được xịt rửa sạch sẽ vẫn phải chọc tiết đưa vào giết mổ. Nền nhà nhầy nhụa chất thải, người ta quăng quật, giẫm đạp, bữa nào đầu tóc cũng dính máu và phân heo”.

Sáng nào chị Đỗ Thị Loan, ở đường Lê Đình Dương, cũng đến trung tâm này mua thịt và lòng heo về bán. Chị nói: “Cứ tưởng ở đây giết mổ bảo đảm vệ sinh. Ai ngờ quá bẩn. Thịt, lòng này mua về bán chứ gia đình không dám ăn”. Bà Đỗ Thị Tám, ở phường Hòa Thuận Tây (Hải Châu) khá gay gắt: “Mất vệ sinh không thể chấp nhận được. Chúng tôi liên tục phản ánh lên trung tâm mà đâu có khắc phục. Chỉ tội người tiêu dùng phải dùng thịt không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Một chủ hộ giết mổ còn khá trẻ được biết tên là Sỹ, quy kết: Trung tâm này chỉ thu tiền, chứ không có giải pháp khắc phục. Ý kiến của các hộ kiến nghị họ bỏ ngoài tai. Thú y cũng vậy, chỉ biết lăn dấu thu tiền mà không cần biết thịt đó có sạch hay không, môi trường giết mổ có vệ sinh không?  

Tại trung tâm, chúng tôi đã gặp ông Phan Chánh, Phó giám đốc trung tâm. Sau khi trao đổi về thực trạng quá tệ tại đây, ông không phủ nhận và nói rằng sẽ cố gắng khắc phục. Ông cho biết: Hiện có 20 hộ kinh doanh giết mổ, mỗi ngày đưa vào lò hơn 700 con heo. Trung tâm thu 20 nghìn đồng/con chi phí các khoản điện, nước, nước sôi và vệ sinh môi trường. Việc giết mổ do các chủ hộ tự đảm nhiệm. Về vệ sinh an toàn thực phẩm đã có cơ quan thú y.

Nhờ ông Chánh điện thoại, chúng tôi gặp ông Nguyễn Thành Thái, cán bộ thú y phụ trách tại trung tâm giết mổ này. Cùng ông Thái, chúng tôi quay lại khu vực giết mổ. Tận mắt chứng kiến những tảng thịt để giữa nền đất nhầy nhụa nước thải, ông Thái nói: “Chật chội dẫn đến quá tải. Sắp tới chắc chắn phải đổi mới”.

Đơn vị quản lý trung tâm này là Công ty CP Procimex Việt Nam, có trụ sở tại Khu Công nghiệp Dịch vụ thủy sản Thọ Quang. Chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Điểm, Giám đốc công ty, tìm hiểu về việc quản lý hoạt động của Trung tâm giết mổ ở Đà Sơn. Ông cho biết tình trạng đó đơn vị đã biết từ lâu, song “lực bất tòng tâm”. Ông nói: “Thực ra, hiện chúng tôi cũng chỉ làm thuê cho người khác, chẳng có quyền hạn gì. Trung tâm này hiện tại thuộc Công ty Mua bán nợ ở 51 Quang Trung (Hà Nội). Họ có vốn cổ phần hơn 50% tại đây nên việc đầu tư nâng cấp, xử lý đều do họ quyết định, chúng tôi chỉ là đơn vị thành viên không quyết được. Nếu là của chúng tôi như trước đây, thì đã nâng cấp, mở rộng trung tâm từ lâu rồi, không thể để tình trạng quá tải và mất vệ sinh nghiêm trọng như vậy”. 

Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản (Sở NN&PTNT) là đơn vị có chức năng kiểm tra việc giết mổ tại trung tâm này. Tình trạng trên chúng tôi đã phản ánh với Chi cục trưởng Nguyễn Tứ. Ông Tứ không ngờ ở cơ sở lớn nhất, đầu tư bài bản nhất trên địa bàn thành phố lại mất vệ sinh nghiêm trọng như vậy. Ông cho biết sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra và chấn chỉnh ngay. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 tháng trôi qua, tình hình giết mổ tại trung tâm này không có gì chuyển biến.

Trước hết phải nói rằng, kinh doanh hoạt động giết mổ cho thu nhập cao và ổn định. Mỗi ngày trung tâm này có nguồn thu khoảng 14 - 16 triệu đồng. Riêng thú y đã thu 3,5 - 4 triệu đồng. Thu cao, thế nhưng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và quản lý hoạt động này không tương xứng.

Có thể thấy rất rõ, tình trạng giết mổ mất vệ sinh kéo dài tại trung tâm này do mấy nguyên nhân:

Một là, không gian giết mổ quá chật chội, trong khi lượng heo đưa vào đây quá lớn. Cơ sở này xây dựng từ năm 2002 đến nay đã xuống cấp, chậm khắc phục. Một số hạng mục xây dựng thiếu khoa học, dẫn đến khó khăn trong xử lý chất thải. Việc thu dọn vệ sinh chỉ diễn ra sau khi giết mổ mà không triển khai đồng thời, dẫn đến ứ đọng quá nhiều chất thải. Nước sạch có nhưng yếu không đáp ứng nhu cầu xịt rửa, nhất là ở khu vực nhốt heo.

Hai là, ý thức bảo đảm thịt sạch của những người trực tiếp giết mổ hạn chế. Họ không hề quan tâm đến các quy định bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quá coi thường người tiêu dùng. Với họ, điều quan trọng nhất là giết mổ thật nhanh để thịt sớm đưa ra chợ.  

Ba là, đơn vị quản lý và cơ quan chức năng đã không làm tròn trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ thừa biết tình trạng mất vệ sinh diễn ra hằng ngày khó chấp nhận, song không có giải pháp khắc phục kịp thời.

Làm cách nào để khắc phục tình trạng giết mổ mất vệ sinh tại Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm Đà Sơn? Đây là câu hỏi rất cần lời đáp. 

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.