.

Cần đầu tư cho cây rau

.
Nhiều năm trước, thành phố có chủ trương xây dựng các vùng rau khu vực ven thị. Thế nhưng đến nay, một số vùng rau đã có trước đây đang dần bị thu hẹp do nhường đất cho các dự án. Một số vùng nằm ngoài khu vực giải tỏa sản xuất cầm chừng, sản lượng không nhiều. Thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố chỉ còn 4-5 vùng rau tập trung với diện tích vài ba chục hécta.

Mô tả ảnh.
Vùng rau Đa Mặn chỉ còn trong ký ức.
 
Thực tế cho thấy rằng, khí hậu và thổ nhưỡng ở Đà Nẵng khá hợp với cây rau. Một số vùng rau năng suất 145 tấn/ha/năm, như vùng rau An Thượng, A20, Đa Mặn ở quận Ngũ Hành Sơn, từng là niềm tự hào của ngành nông nghiệp Đà Nẵng. Tuy bị giải tỏa, song quỹ đất để xây dựng các vùng rau chuyên canh không thiếu, nhất là ở huyện Hòa Vang. Lĩnh vực này rất được chính quyền các cấp  và ngành nông nghiệp quan tâm, ưu tiên đầu tư, thị trường thuận lợi. Thế nhưng diện tích và sản lượng rau ngày càng giảm. Rau do nông dân Đà Nẵng sản xuất chỉ đáp ứng 5 - 7% nhu cầu thị trường. Số liệu từ Sở NN-PTNT, cả năm 2010, sản lượng rau xanh chỉ đạt 8.014 tấn. Trong khi mỗi ngày lượng rau qua chợ đầu mối Hòa Cường khoảng 100 tấn. Đó là chưa kể số lượng không nhỏ được chở từ Quảng Nam ra.

Mô tả ảnh.
Ông Trần Lưỡng - người tận tụy với cây rau ở vùng rau Hồ Bún.
Vùng rau 21 ha ở Đa Mặn (Ngũ Hành Sơn) quy mô lớn nhất, sản xuất bài bản và hiệu quả nhất trên địa bàn thành phố đã nằm trong vùng quy hoạch. Trong khi vùng rau ở Hòa Quý không còn, Ngũ Hành Sơn - nơi từng có nhiều vùng rau nổi tiếng đã trở thành địa phương ít trồng rau xanh. Ở quận Cẩm Lệ, vùng rau La Hường quy mô 7ha, đến nay chỉ sản xuất 4 ha, mỗi ngày đưa ra thị trường khoảng 500kg các loại, chủ yếu là rau muống. Ông Trần Văn Hoàng, Chủ nhiệm HTX rau La Hường, cho biết sản xuất rau thu nhập cao hơn nhiều lần so trồng lúa. Tuy vậy, hiện tại chỉ dừng lại ở 4 ha do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, nhất là nước tưới. Trưởng phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ Ngô Ngọc Trọng cho hay, vùng rau này đang sản xuất cầm chừng chờ dự án của Sở NN-PTNT sẽ đầu tư xây dựng trong nay mai.

Tại huyện Hòa Vang, nói là có đến 4 - 5 vùng rau chuyên canh, nhưng thực ra chỉ có vùng Hồ Bún tại xã Hòa Phong diện tích khá lớn (5ha). Vùng rau này được đầu tư rất cơ bản, bao gồm hệ thống tưới, nhà lưới, hộ trồng rau được tập huấn kỹ thuật chu đáo, liên tục được hỗ trợ giống, phân bón… Thế nhưng làm ra cây rau tại đây không dễ và cũng chỉ có màu xanh của rau ở vụ đông xuân. Hiện tại, nhiều hộ trồng cả khoai lang, đậu phụng, bắp tại vùng rau.
 
Ông Nguyễn Văn Châu, Chủ nhiệm HTX 2 Hòa Phong cho biết, không có tính chuyên nghiệp trong sản xuất rau và ít chịu khó là nguyên nhân dẫn đến vùng rau không đạt như mục tiêu đề ra. Hàng chục hộ sản xuất tại đây thì chỉ dăm bảy hộ chịu khó, sản xuất khá bài bản, số còn lại coi sản xuất rau là hoạt động phụ được sao hay vậy. Ông Trần Lưỡng, Chủ nhiệm CLB rau Hồ Bún cho rằng, trồng rau thu nhập khá cao, riêng vụ đông xuân đã đạt 50-60 triệu đồng/ha. Yếu tố quan trọng nhất trong sản xuất rau là chịu khó chăm bón, tưới thường xuyên nhưng nhiều bà con ở đây chưa làm được. Cũng vì vậy mà rau ở đây khá thất thường, lúc nhiều, lúc ít, dẫn đến khó tiêu thụ.

Sản xuất rau ở Đà Nẵng đang rất khó khăn, mặc dù được quan tâm đầu tư không nhỏ. Ngành nông nghiệp cần tìm ra giải pháp thích hợp để cho các vùng rau phát triển.

Bài và ảnh: Hoài Nam   
;
.
.
.
.
.