Đã hơn 2 tháng từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP (NQ 11) về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, ngành Ngân hàng (NH) thành phố đã có những bước đi cụ thể thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
ACB đã tích cực thực hiện NQ 11. |
Bên cạnh việc thực hiện những thông điệp được gửi đi từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như Chỉ thị 01/CT-NHNN (CT 01), Thông tư 02/TT-NHNN… thì ngay từ tháng 2, NHNN Chi nhánh thành phố đã xây dựng phương án triển khai NQ 11 và CT 01. Tiếp đó, NHNN Chi nhánh thành phố thành lập tổ công tác đặc biệt thực hiện NQ 11 do Giám đốc Chi nhánh làm tổ trưởng, 5 đồng chí lãnh đạo các phòng nghiệp vụ làm trưởng 5 nhóm phụ trách 10 chuyên viên chuyên quản 55 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD). Tổ công tác đã phân công trách nhiệm và công việc cụ thể cho từng tổ viên, đồng thời yêu cầu các tổ viên thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện.
Để triển khai có hiệu quả NQ 11, NHNN Chi nhánh thành phố định hướng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ tiêu tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 54 ngàn tỷ đồng là tối đa vào thời điểm cuối năm 2011, giảm dần tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất (bao gồm cho vay tiêu dùng, cho vay bất động sản và cho vay chứng khoán), đẩy mạnh ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, cho doanh nghiệp vừa và nhỏ… Đặc biệt, bảo đảm quy định về lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay. Riêng về ngoại hối, NHNN Chi nhánh thành phố đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như của NHNN về điều hành tỷ giá linh hoạt theo thị trường. Mặt khác, tăng cường kiểm soát việc giao dịch, mua bán, găm giữ ngoại tệ trái pháp luật.
Theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh thành phố cho biết, để thực hiện công việc này, đơn vị đã đề ra các giải pháp cụ thể như: Ngoài việc thành lập tổ công tác đặc biệt, đã thay đổi quy định tăng tần suất báo cáo của các NHTM lên mỗi tuần một lần, các đơn vị phải báo cáo diễn biến tình hình cho NHNN nắm bắt kịp thời để phản ánh cấp trên và có những khuyến cáo phù hợp. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Thông tư 02 về mức lãi suất huy động, kiểm tra mua, bán ngoại tệ, cho vay ngoại tệ… Thường xuyên chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí để cung cấp rõ tình hình chung về hoạt động ngân hàng trên địa bàn, góp phần tăng cường hiểu biết cho công chúng về lĩnh vực ngân hàng, nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội đối với những chủ trương, chính sách và việc làm cụ thể của ngành.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đó, trong những tháng đầu năm, các NHTM đã chủ động xây dựng kế hoạch về tốc độ tăng trưởng tín dụng, thực hiện các biện pháp kiểm soát tốc độ tín dụng tại đơn vị, điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng giảm cho vay lĩnh vực phi sản xuất, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, vàng… Bên cạnh những biện pháp chung, ở mỗi NHTM, NQ 11 còn được thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh doanh của từng đơn vị.
Ngân hàng NN và PTNT phát huy lợi thế là có hệ thống mạng lưới giao dịch đến các quận, huyện, đã tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh nguồn vốn đến với nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh; Chi nhánh NHTMCP Công thương, Kỹ Thương, Á Châu… tăng cường kiểm soát các hoạt động thanh toán nội địa và thanh toán quốc tế, tập trung vốn cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay các hộ kinh doanh và cho vay hỗ trợ xuất khẩu... Với những giải pháp tích cực, công tác huy động vốn cũng như cho vay trên địa bàn tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2010. Đến đầu tháng 4-2011, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 36.961 tỷ đồng; dư nợ cho vay thực hiện 45.058 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất giảm - 2,36% so với cuối năm 2010 và chiếm 28% trên tổng dư nợ cho vay…
Để đẩy mạnh thực hiện NQ 11, trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh thành phố tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động của các NHTM, đồng thời bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố để triển khai có hiệu quả và đầu tư vốn đúng hướng, góp phần ổn định phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Bài và ảnh: Thành Lân