.

Khổ vì hàng nhái

.
Sản phẩm của những doanh nghiệp chân chính làm ra bao giờ cũng được chăm chút từ chất lượng bên trong đến hình thức bên ngoài, khẳng định uy tín với người tiêu dùng. Vậy nhưng, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nỗi lo hàng giả, hàng nhái luôn rình rập.

Mô tả ảnh.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy những sản phẩm làm giả, làm nhái trên thị trường.
 
Thay đổi mẫu liên tục cũng bị nhái

Ông Nguyễn Xuân Sơn (Giám đốc Công ty Sản xuất và Thương mại Hương Quế Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi luôn đeo bám tiêu chuẩn chất lượng để thị trường không bỏ mình. Cũng là người tiêu dùng nên tôi hiểu rất rõ nếu sử dụng sản phẩm kém chất lượng sẽ ảnh hưởng sức khỏe như thế nào? Song cứ mỗi lần ra sản phẩm mới và mỗi lần mở rộng được mạng lưới bán hàng là y như rằng phát hiện sản phẩm của mình bị làm nhái”. Ông kể: “Có lần tôi đóng vai khách hàng để mua sản phẩm của những người đánh giày dạo thì mới biết rằng, sản phẩm không có nguồn gốc chất lượng đã “chui” vào bao bì của sản phẩm Hương Quế chúng tôi, giá lại đắt gấp nhiều lần. Có khách hàng cho hay mua lót giày Hương Quế dùng rất tốt, lại không lo bị hại da chân, chứ các loại lót giày bán dạo khác bẻ ra toàn bột mùn cưa”. Những lần như vậy, Hương Quế lại thiết kế lại mẫu mã với mục đích làm sao để khó bị nhái. Thế nhưng hàng nhái vẫn qua mắt được người tiêu dùng dễ tính. Từ logo, tem nhãn, hình ảnh, thông tin bao bì… mới ra mắt đều không ngăn được mối lo làm hàng nhái tinh vi từ các chủ cơ sở tư nhân.

Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại BQ, có sản phẩm giày dép mang thương hiệu BQ uy tín, cho hay nhãn hiệu BQ cũng bị làm giả và nhái thương hiệu. Người ta đã sử dụng trái phép nhãn hiệu độc quyền BQ để in trên các sản phẩm không rõ nguồn gốc, sau đó trà trộn cùng các sản phẩm thật của BQ trên thị trường để bán kiếm lời. Việc làm này đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và thương hiệu của BQ. Thiệt hại rõ nhất là BQ phải tốn cả trăm triệu đồng mỗi năm chi phí để quảng bá thông tin nhằm giúp cho khách hàng phân biệt đâu là hàng giả - hàng thật. BQ đã phải đầu tư không ít tiền bạc để thiết kế thay đổi mẫu mã.

Việc đấu tranh với nạn hàng giả, hàng nhái đối với nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính đôi khi cứ như “đem muối bỏ bể” vì chống hết đợt này lại phải lo đợt khác. Đối với Công ty may Việt Tiến, hầu như năm nào hãng thời trang này cũng đệ đơn lên cơ quan chức năng thành phố để bảo vệ thương hiệu cho mình. Hằng năm, công ty đầu tư hàng trăm triệu đồng để quảng bá thông tin giúp người tiêu dùng nhận diện chính xác thương hiệu của mình trước hàng trăm cửa hàng mang tên Việt Tiến.

Loay hoay đối phó

Cuối năm 2010, UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định xử phạt hành chính trên 175 triệu đồng đối với bà Vũ Thị Minh Vân (SN 1966, trú tại phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) vì sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái với số lượng lớn. Bà Vân đã sử dụng một số nguyên liệu bột giặt, các chất chế phẩm, bột ngọt các loại để pha trộn sau đó đóng gói sản phẩm dưới thương hiệu bột giặt Omo, Vì dân, bột ngọt Aone, Orsan… Đây là vụ vi phạm sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái lớn nhất trên địa bàn thành phố trong nhiều năm nay.
Ông Dương Tam Tam, đại diện lãnh đạo Nhà máy Everon tại Hà Nội cho hay, từ lâu các sản phẩm chăn ga, gối đệm mang nhãn hiệu Hàn Quốc đã bị làm nhái không chỉ ở Hà Nội mà còn lan rộng ra nhiều địa phương khác. Tuy vậy, muốn đào thải hàng nhái không chỉ nói ngày một ngày hai là có thể triệt tiêu ngay. Everon chỉ còn cách khuyến cáo từ phía người bán sản phẩm Everon và khách hàng khi mua sản phẩm nên để ý các dấu hiệu hàng chính hãng như trên mác sản phẩm có tem bảo đảm của Everon, trên khóa của sản phẩm có dập nổi chữ Everon…

Biết sản phẩm của mình đã bị làm nhái khá nhiều ở các khu vực, ông Nguyễn Xuân Sơn phải nhờ đến các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Công an ở Hà Nội, Đà Nẵng và các địa phương khác can thiệp. Nhưng cũng như nhiều doanh nghiệp khác bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhái thông tin, nhái thương hiệu, vi phạm đạo đức kinh doanh, Hương Quế vẫn phải loay hoay tìm bài toán đối phó với hàng giả, hàng nhái. Ông tâm sự: “Sản xuất, kinh doanh đâu phải lúc nào cũng thuận lợi mà bản thân doanh nghiệp chúng tôi có thời điểm hết sức chao đảo, áp lực về mặt tài chính, vốn vay ngân hàng, lãi suất, cơ chế tín dụng…, nếu không đứng vững là phá sản ngay vì dòng chảy thị trường phải liên tục. Khó cỡ nào cũng có phương cách để thoát ra, nhưng đau đầu nhất vẫn là hàng giả, hàng nhái, bởi bản thân doanh nghiệp cũng không thể làm được gì nhiều nếu không có sự mạnh tay của cơ quan chức năng và luật pháp, trong đó cơ quan quản lý Nhà nước phải như một “pháo đài”.

Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố cho biết, hầu hết các cơ sở làm hàng giả, hàng nhái rơi vào các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ, nên rất khó khăn cho việc xử lý và không được triệt để. Về phía DN, vì lo ngại sản phẩm của mình bị làm nhái nhiều hơn nên dù có phát hiện cũng không nói ra. Nếu có sự phối hợp tích cực trong cung cấp thông tin thì cơ quan chức năng mới có thể vào cuộc được.
Vậy câu hỏi đặt ra, bao giờ doanh nghiệp chân chính mới an tâm làm hàng chất lượng?

Bài và ảnh: Duyên Anh
;
.
.
.
.
.