.

Khó xử lý với “cần câu” của hộ nghèo

.

Cho người dân nghèo “cần câu” - chiếc xe đẩy bán hàng, xe bán nước mía, hay những bộ bàn ghế nhựa... để họ có thể làm kế sinh nhai là cách làm của chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể đã giúp được nhiều người ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, chính việc này đã khiến cơ quan chức năng vô cùng vất vả trong việc bảo đảm trật tự độ thị, vệ sinh môi trường.

 

Mô tả ảnh.
Việc xử lý những xe bán hàng rong không hề đơn giản.

 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1, trước đây để hỗ trợ những hộ nghèo, phường thường sử dụng các nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo giúp họ có một số vốn để tự tổ chức làm ăn. Tuy nhiên qua thực tế kiểm tra, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều người đã tiêu hết số tiền được hỗ trợ mà không tìm được cách gì để sinh sống. Vì vậy những năm gần đây, thay vì tặng cho người nghèo “nồi cơm”, chúng tôi đã trang bị “cần câu cơm” để họ có thể tự nuôi sống gia đình. Tùy theo yêu cầu của người dân, chúng tôi trang bị cho họ xe bán nước mía, xe đẩy để bán hàng rong, hoặc bàn ghế nhựa để họ mở quán bán đồ ăn, giải khát. Qua thực tế cho thấy, những hộ nghèo sau khi trang bị “cần câu”, hầu hết đã phát huy hiệu quả, ổn định cuộc sống.

Cũng là phường nằm ở khu vực trung tâm thành phố nên Thạch Thang rất chú trọng đến việc hỗ trợ cho người dân “cần câu” thay vì tặng “nồi cơm” như trước đây. Hiện phường có 60 hộ nghèo, trong đó có 40 hộ do phụ nữ là chủ hộ, thì tất cả đều được hỗ trợ phương tiện để làm kế sinh sống như bàn ghế nhựa, dụng cụ bán thức ăn, giải khát trên vỉa hè. Cùng với chương trình “Phụ nữ 3 trong 1” bằng cách lập nên những nhóm nhỏ bao gồm 3 người/tổ hỗ trợ lẫn nhau, rất nhiều phụ nữ nghèo đã có công việc làm ổn định. Thông qua sự hỗ trợ của Hội LH Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... đã có khoảng 60% hội viên khó khăn được tặng phương tiện làm ăn.

Mặc dù vậy, thực tế việc hỗ trợ cho người nghèo phương tiện làm ăn cũng khiến cho các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm trật tự giao thông, vệ sinh môi trường. Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, việc trang bị phương tiện làm ăn cho bà con nghèo khiến phường rơi vào tình thế khó xử, vì mỗi khi  ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, mình phải xử lý chính những người được mình hỗ trợ phương tiện làm ăn do họ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán. Ví dụ mới đây nhất, UBND phường quyết định cấm 17 hộ dân buôn bán trên vỉa hè đường Trần Quốc Toản và Yên Bái do lấn chiếm vỉa hè và gây tiếng ồn ảnh hưởng đến Trường THCS Trưng Vương.

Thế nhưng 17 hộ dân này đã làm đơn tập thể gửi UBND quận đề nghị cho phép họ được tiếp tục buôn bán tại đây và lãnh đạo quận có chỉ đạo là cho phép 17 hộ dân trên tiếp tục được buôn bán trên vỉa hè đường Yên Bái và Trần Quốc Toản, với điều kiện là phải đúng nơi quy định, không gây tiếng ồn và mất vệ sinh môi trường. Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế, những hộ buôn bán này chỉ thực hiện đúng lời cam kết với chính quyền địa phương trong một thời gian ngắn và sau đó lại tiếp tục cảnh lấn chiếm hết vỉa hè và vứt rác bừa bãi ra đường.

Ngay như phường Thạch Thang, dù có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ phương tiện cho bà con nghèo làm ăn là không cho họ xe đẩy bán hàng rong, nhằm tránh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như trước đây. Tuy nhiên trên thực tế, tại khu vực điểm nóng như trước cổng Bệnh viện Đà Nẵng, khu vực chợ Tam giác (cũ), cảnh lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán vẫn diễn ra. Theo chị Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thạch Thang: “Lúc hỗ trợ phương tiện cho chị em, chúng tôi đều yêu cầu ký cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường... Thế nhưng chỉ được thời gian đầu, rồi sau đó việc vi phạm vẫn xảy ra tràn lan. Trong số này, khó xử lý nhất là những trường hợp từ địa phương khác đến vi phạm trên địa bàn phường, gần như chẳng thể làm được gì họ”.

Đây là bài toán rất khó cho các cơ quan chức năng nếu như những người được hỗ trợ “cần câu” không ý thức được trách nhiệm với cộng đồng.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.