.

Ngành Công thương: 60 năm, một chặng đường vẻ vang

.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, vào ngày 28-8-1945, Bộ Kinh tế - tiền thân của Bộ Công thương ngày nay được thành lập.
 
Mô tả ảnh.
Hàng xuất khẩu qua Cảng Đà Nẵng (Ảnh trên). (Ảnh tư liệu)
 
Đến ngày 14-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương và chính ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành Công thương. 60 năm qua, ngành Công thương đã đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, góp phần thực hiện thành công đường lối phát triển kinh tế qua các thời kỳ của Đảng và Nhà nước ta. Riêng ngành Công thương TP. Đà Nẵng cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng một cách tốt nhất các nhu cầu của Khu ủy Khu 5, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), cũng như của thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Những mốc son

Tháng 12-1946, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh quyết định thành lập Chi sở Tiếp vận. Đầu năm 1952 thành lập Chi sở Mậu dịch và ngoại thương. Tháng 6-1960, Khu ủy Khu 5 và Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập Ban Tài mậu bao gồm lương thực, tài chính, thương nghiệp. Năm 1974, Ban Tài mậu được tách ra để thành lập Ban Công thương làm nhiệm vụ sản xuất, cung ứng hàng hóa, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cho nhân dân, quân đội trong vùng giải phóng.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), hai Ban Công thương của tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà sáp nhập và đổi tên thành Ty Công thương Quảng Nam-Đà Nẵng với tổng số lao động 630 người và 12 đơn vị trực thuộc. Đến năm 1976 tách thành Ty Công nghiệp và Ty Thương nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng, và đến năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia làm 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương và từ đó, Sở Công nghiệp và Sở Thương mại thành phố Đà Nẵng ra đời. Tháng 3 năm 2008, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc sắp xếp lại các đơn vị quản lý Nhà nước, Sở Công thương được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Thương mại và Sở Công nghiệp. Hiện nay, Sở Công thương TP. Đà Nẵng có 386 CBCNVC với 4 đơn vị trực thuộc, chủ yếu làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, các đơn vị còn lại đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và các hình thức doanh nghiệp khác. Mặc dù cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng đã có những thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của thành phố trong tương lai, nhưng ngành Công thương vẫn là ngành kinh tế quan trọng hàng đầu về mọi chỉ tiêu như: GDP, giải quyết việc làm, thu hút lao động, thu hút đầu tư nước ngoài... góp phần quyết định sự tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định xã hội.

Mô tả ảnh.
Giày xuất khẩu - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành Công thương Đà Nẵng.
 
Sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển

Năm 1997, TP. Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, sản xuất công nghiệp (CN) cả nước đang gặp rất nhiều thách thức, khó khăn. Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đánh giá đúng thành tựu, dự báo khó khăn, trên tinh thần đó, HĐND, UBND thành phố đã có nhiều Nghị quyết, chủ trương và coi phát triển CN là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo định hướng này, các thành phần kinh tế đã được chú ý và tạo điều kiện phát triển hơn. Các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được sắp xếp lại, củng cố để trở thành vai trò chủ đạo trong sản xuất CN. Kinh tế ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài đã hình thành và phát triển, ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu chung của ngành. Nhiều DN có mức tăng trưởng cao và có hướng phát triển tốt như: Công ty CP Dệt may 29-3, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty Thép Đà Nẵng, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung, Công ty Thủy sản và thương mại Thuận Phước, Công ty Vijachip, Công ty Mabuchi, Công ty Điện tử Việt Hoa…

CN thành phố đã có những bước phát triển tích cực, thiết bị công nghệ ngày càng được đổi mới. Nhiều sản phẩm được công nhận là hàng Việt Nam chất lượng cao, giành được các Huy chương trong nước và quốc tế, được khách hàng tín nhiệm như lốp ô-tô, xi-măng, giày, quần áo, hàng thủy sản xuất khẩu, giấy, dây cáp điện, tụ điện… Giá trị SXCN giai đoạn 2001 - 2010 có mức tăng trưởng bình quân 20,33%/năm. Năm 2010, giá trị SXCN đạt 13.035 tỷ đồng, tăng 16,6%, so với năm 2009, trong đó nhiều DN có giá trị sản xuất CN và doanh thu từ 500 tỷ đồng đến hơn 1.000 tỷ đồng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm CN không ngừng tăng. Năm 2010, giá trị hàng hóa CN xuất khẩu đạt 473 triệu USD, bằng 70% giá trị hàng hóa xuất khẩu của thành phố. Các sản phẩm CN chủ yếu: thủy sản chế biến, sản phẩm may mặc, linh kiện điện tử, động cơ điện, săm lốp ô-tô-máy kéo, xi-măng, giày-dép các loại, sợi các loại, thép xây dựng, sản phẩm cơ khí, lắp ráp xe máy, ô-tô tải, đồ gỗ xuất khẩu, dược phẩm, bia, nước giải khát…

Số lượng cơ sở có sản xuất CN đến cuối năm 2010 là 694 DN và gần 3.900 hộ cá thể với hơn 80.000 lao động. Thành phố đã xây dựng 6 KCN với tổng diện tích 1.451ha. Cơ sở hạ tầng các KCN đang được hoàn thiện, đáp ứng tương đối tốt các điều kiện cơ bản của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Công tác khuyến công mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực vươn lên, đã đạt được những kết quả nhất định.

Ngành Thương mại - người nội trợ tin cậy của nhân dân

Trong 60 năm qua, ngành Thương mại đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử đậm nét của các thế hệ cán bộ qua các thời kỳ cách mạng. Những cống hiến của CBCNV ngành Thương mại đã góp phần cùng các ngành kinh tế khác hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, tạo nên sự phát triển vượt bậc của ngành Công thương thành phố.

Năm 1975, Thương mại Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ có 12 cửa hàng ở các vùng mới giải phóng, đến năm 1984 đã phát triển được 34 công ty mậu dịch quốc doanh với hàng trăm cửa hàng. Nhờ vậy đã làm tốt chức năng thu mua, chế biến, phân phối hàng tiêu dùng và trực tiếp xuất nhập khẩu với một số nước trên thế giới, nhất là thị trường Liên Xô và Đông Âu cũ. Hệ thống HTX mua bán đã phát triển hầu khắp các xã, phường trong toàn tỉnh, phục vụ tốt đời sống và sản xuất cho nhân dân. Một số đơn vị đã trở thành điển hình của ngành Thương mại toàn quốc như HTX mua bán Duy Hòa (Duy Xuyên) là lá cờ đầu của ngành HTX mua bán toàn quốc nhiều năm liền.

Thực hiện đường lối đổi mới từ năm 1986 đến nay, ngành Thương mại đã có những đột phá quan trọng, thị trường thương mại và dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân. Từ năm 1997, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và UBND thành phố, ngành Thương mại tiếp tục phát triển trên nhiều mặt: Đã tiến hành cổ phần hóa xong các công ty thương mại quốc doanh, xác lập công tác quản lý Nhà nước về thương mại. Các công ty sau cổ phần hóa đều hoạt động tốt, cùng với các thành phần kinh tế khác phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng đa dạng của nhân dân. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng về số lượng và quy mô. Năm 1997, các mặt hàng xuất khẩu của thành phố mới tới được 60 quốc gia và vùng lãnh thổ thì tới năm 2010 là gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hoạt động nhập khẩu bảo đảm phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của thành phố nói riêng, miền Trung và Tây Nguyên nói chung. Năm 1997, Đà Nẵng nhập khẩu 194,8 triệu USD, thì năm 2010 đạt 750 triệu USD. Cơ cấu thiết bị phụ tùng, nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng 87,5%, hàng tiêu dùng chiếm 12,5%. Thị trường nhập khẩu là châu Á-Thái Bình Dương chiếm 70%, còn lại là EU, Mỹ và các nước khác.

Để thực hiện thành công các chỉ tiêu của ngành trong giai đoạn 2011-2015  mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đã đề ra, ngành Công thương quyết tâm hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển ngành đến năm 2020, nhằm định hướng các thành phần kinh tế trong sản xuất CN và hoạt động thương mại vận hành đúng hướng và hiệu quả.

Bài và ảnh: Đức Thịnh
;
.
.
.
.
.