.

Những điều cần rút ra từ vụ sản xuất đông xuân

.

Chưa thu hoạch đại trà nhưng ngành nông nghiệp và nông dân đã biết chắc vụ đông xuân năm nay mất mùa trên diện rộng. Số liệu từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ít nhất hơn 2.000 ha trên tổng diện tích 3.468 ha lúa bị đen và lép hạt, tỷ lệ từ 10 đến 70%, cộng thêm đó chuột, sâu bệnh gây hại, năng suất chỉ bằng 60 - 70% so các vụ đông xuân trước.

Mô tả ảnh.
Lúa ở Hòa Nhơn năng suất chỉ bằng 1/2 vụ đông xuân trước.

 

HTX 2 Hòa Phong (Hòa Vang) gieo sạ 195 ha, trong đó 70% giống lúa NX30. Trà đầu 55 ha gieo từ ngày 10 đến 15-12, trà chính vụ 140 ha gieo từ ngày 15 đến 23-12. Ông Nguyễn Văn Châu, Chủ nhiệm HTX cho biết, 55 ha trà đầu mất khoảng 70%. Trà chính vụ chỉ có 90 ha năng suất tương đối khá, 50 ha gieo vào cuối vụ thất thu khoảng 30%. Tính ra, vụ này năng suất chỉ khoảng 25 - 26 tạ/ha, bằng 1/2 vụ đông xuân trước, thấp nhất kể từ 10 năm trở lại đây. Hỏi về nguyên nhân, ông Châu cho rằng, chủ yếu do thời tiết gây nên. Đúng vào thời kỳ trà đầu trổ, trời có mưa và lạnh kéo dài làm cho lúa bị đen và lép hạt. Trà muộn cũng vậy. Đầu tư thâm canh của nhiều hộ chưa hợp lý, tình trạng dùng thóc thịt gieo sạ vẫn khá phổ biến. Ngoài ra, chuột, sâu bệnh phát sinh nhiều hơn mọi năm gây hại nghiêm trọng.  

Thực trạng trên tại HTX 2 Hòa Phong cũng là tình trạng chung ở các địa phương sản xuất nông nghiệp. Một số thôn của xã Hòa Nhơn, bên cạnh thời tiết bất lợi, giai đoạn lúa trổ còn bị thiếu nước nên năng suất rất thấp. Hộ bà Trần Thị Trang, thu hoạch 1 sào chỉ được 7 bao lúa tươi, gần bằng 1/2 vụ đông xuân năm ngoái. Thửa ruộng 1,5 sào của chị Lưu Sự chưa thu hoạch, song theo chị, năng suất cao lắm chỉ bằng của bà Trang. Quan sát thửa ruộng đó, chúng tôi thấy lúa bụi nhỏ, không đều, rất nhiều bông lép và đen, lỗ chỗ nhiều vạt chuột cắn mất trắng. Mấy nông dân có mặt tại đây cho biết, mất mùa do giống NX 30 đã quá lâu, bị thoái hóa, lúc lúa trổ thiếu nước nên bông nhỏ, hạt lép. Ở đây, ruộng gần khu dân cư nên nhiều chuột, thửa nào cũng bị cắn phá từng đám.

Đồng ruộng Hòa Vang mùa lúa chín  không vàng rực, đều tăm tắp như các vụ trước. Duy chỉ có khu vực sản xuất lúa giống (chủ yếu ở HTX Hòa Tiến 1) đầu tư thâm canh cân đối, dùng giống xác nhận để gieo sạ, tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, lúa chín đều, bông to, hạt mẩy, năng suất dự kiến đạt khoảng 70 tạ/ha.

Từ thực trạng nêu trên cho thấy một số vấn đề cần rút ra từ vụ đông xuân này. Trước hết, sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, bởi thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của cây lúa. Nếu như tất cả diện tích lúa đông xuân năm nay gieo từ 15 đến 31-12 như  Sở NN-PTNT đã ấn định, chắc chắn không đến nỗi mất mùa nghiêm trọng đến vậy. Đằng này 822 ha gieo trước ngày 15-12, chủ yếu ở Hòa Vang bị mất nặng nhất, khoảng 70%. Trong khi diện tích gieo sau đó ít ngày năng suất khá hơn hẳn. Qua đây, ngành nông nghiệp cần bám sát dự báo thời tiết kết hợp với kinh nghiệm  để ấn định lịch gieo sạ hợp lý, các địa phương phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch đã  đề ra.

Công tác giống phải đặc biệt coi trọng, tuyệt đối không dùng thóc thịt để gieo sạ. Vấn đề này, lãnh đạo ngành nông nghiệp đã khắc phục bằng việc triển khai chương trình phục tráng nhanh giống lúa. Ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, vụ đông xuân này đã sản xuất 120 ha từ giống nguyên chủng để thu 600 tấn giống xác nhận, đáp ứng cho sản xuất vụ hè thu tới. Từ nay trở đi, công tác giống được đặt lên hàng đầu, nông dân sẽ có đủ giống xác nhận cho sản xuất. Vấn đề đặt ra hiện nay là sớm chọn được bộ giống mới thay thế bộ giống hiện tại.

Bên cạnh đó, nông dân phải thật sự chú trọng đầu tư cho sản xuất và phòng trừ sâu bệnh, chuột. Mấy năm gần đây, không có lũ lớn, đồng nghĩa với đồng ruộng không được bổ sung phù sa, chuột phát sinh rất mạnh. Đúng ra, các loại phân bón phải đầu tư nhiều hơn, việc diệt chuột hiệu quả hơn. Đằng này, nhiều nông dân chưa chú trọng đầu tư.

Nếu không có sự chuyển biến trong đầu tư thâm canh và phòng trừ chuột, sâu bệnh hiệu quả, năng suất lúa sẽ chậm cải thiện, nguy cơ mất mùa khó loại trừ.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu     

;
.
.
.
.
.