.

Siêu thị ứng phó với giá tăng

.

Trong những ngày qua, trên một số kệ hàng của hệ thống BigC vẫn còn các ô trống đối với những mặt hàng siêu thị từ chối yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp. “Siêu thị từ chối các yêu cầu tăng giá không hợp lý từ nhà cung cấp, nên một số nhà cung cấp đã ngừng giao hàng” là dòng thông báo của BigC đối với khách hàng.

Mô tả ảnh.
Các siêu thị tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để làm tăng sức mua.

Hiện nay, hệ thống siêu thị BigC vẫn đang đàm phán giá với các nhà cung cấp để đi đến một mức giá hợp lý. Các nhóm sản phẩm được đề nghị tăng giá nhiều nhất là sữa, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, hàng tiêu dùng... Ở một số siêu thị như Intimex, Co.op Mart cũng nhận được yêu cầu điều chỉnh giá của các nhà cung cấp với mức tăng thêm 5 - 10%.

Không chấp nhận việc tăng giá một cách vô lý nhằm bình ổn giá như việc để trống các kệ và thay vào đó những mặt hàng khác có giá hợp lý là một động thái tích cực của BigC được đông đảo người dân đồng tình. Bởi nếu chấp nhận sự đề nghị tăng giá từ nhà sản xuất và nhà cung cấp, hơn ai hết, người chịu thiệt là doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng. Bởi lý do theo ông Trần Việt Hoàng, Giám đốc BigC Đà Nẵng, “chúng tôi không chấp nhận tăng giá vô lý vì các hợp đồng cung cấp hàng hóa đã được hai bên thương thảo từ 6 tháng đến một năm. Nhà cung cấp muốn tăng thì phải theo lộ trình chứ không phải nói tăng là tăng ngay được. Khách hàng chấp nhận thì nhà bán lẻ mới có cơ hội được phục vụ”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà phân phối thì những yếu tố cấu thành nên sản phẩm như nguyên liệu đầu vào, phí vận chuyển, nhân công có thể tác động đến giá thành, nhưng không thể ở mức tăng từ 10 - 15% như nhiều nhà cung cấp vẫn “kêu”. Bà Phan Như Yến, Giám đốc Công ty Intimex Đà Nẵng cho biết, từ đầu quý 1 đến nay, nhiều nhà cung cấp gửi đề nghị tăng giá các mặt hàng tới siêu thị với hàng loạt những lý do khác nhau về tỷ giá, giá nguyên liệu, lãi suất, giá xăng, giá vận chuyển, giá nguyên liệu, bao bì.... Không còn cách nào khác, Intimex đang cố gắng nỗ lực để giá không “leo thang”. Nhưng trước tình hình chung, nếu không chấp nhận mặt bằng giá mới thì nhà cung cấp ngừng cung cấp hàng vì họ kêu lỗ. Như vậy mình cũng không có hàng để bán. Bà Yến nói thêm: Với những hàng hóa tăng giá bất hợp lý, công ty khéo léo từ chối, không đặt hàng hoặc kéo dài thời gian bắt đầu áp dụng giá mới. Có khi phải giao kèo với nhà sản xuất, giãn đơn hàng để kìm giá, tìm mặt hàng hoặc nhà cung cấp mới thay thế.

Riêng tại Co.op Mart với hàng loạt chương trình bình ổn giá  hơn 500 mặt hàng thiết yếu “Đưa hàng Việt về nông thôn” có mức giá thấp hơn thị trường từ 10 - 15%, theo ông Võ Hoàng Anh (Giám đốc Co.op Mart Đà Nẵng) là do siêu thị đã tính tới sự chủ động một kho hàng dự trữ có khả năng bình ổn giá ít nhất là đến hết tháng 5. Đó là chính sách “Chia sẻ lợi nhuận với khách hàng” của Co.op Mart trong bối cảnh nhà cung cấp nào cũng “khẩn trương” đòi tăng giá.

Bài và ảnh:   Xuân Duyên

;
.
.
.
.
.