.

Tiêu dùng nông thôn: Chờ mạng lưới hàng Việt

.
Được mua hàng Việt với chất lượng tốt, giá rẻ là mong muốn của bà con các vùng xa mà chúng tôi có dịp đến. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà hiện nay các doanh nghiệp (DN) trong nước thường xuyên về nông thôn không nhiều.

Mô tả ảnh.
Công nhân rất vui khi mua sắm tại Ngày hội công nhân.
 
Cuối tháng 4 vừa qua, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” của Công ty TM & DV Co.op Mart Đà Nẵng (Co.op Mart ĐN) đã tạo được dấu ấn với nhiều người dân vùng ven. Chỉ trong vòng 3 ngày có mặt tại KCN Hòa Khánh, Co.op Mart ĐN đã thu về hơn 300 triệu đồng. Điều đó cho thấy, người dân đã không quay lưng với hàng Việt. Ông Lê Quang Thanh, Phó Giám đốc Co.op Mart ĐN chỉ ra cái được ở đây không chỉ dừng lại ở doanh số hàng hóa bán ra, mà cái chính là hàng Việt đã được người dân đón nhận với thái độ hào hứng.
 
Trong những phiên chợ về với vùng ven như thế, đơn vị đã thăm dò ý kiến của khá nhiều công nhân. Hầu hết họ rất phấn khởi khi sau giờ tan ca tạt ngay vào gian hàng Việt. Với bà Bùi Thị Hương (nông dân xã Hòa Ninh), mỗi lần có hàng Việt về là mỗi lần háo hức, bởi vì không phải đi xa, giá lại rẻ hơn từ 10-15% so với giá thị trường, cũng không lo quá về chất lượng. Còn nhớ, những chương trình đưa hàng Việt về một số xã của huyện Hòa Vang hồi cận Tết Nguyên đán 2011, bà con kéo đến mua và xem hàng rất đông. Nhiều người chưa đến vụ thu hoạch hoa màu, vẫn bán heo, bán gà và mượn tiền nhau để mua. Hiệu ứng hàng Việt về nông thôn trong thời gian qua tại Đà Nẵng có sức lan tỏa khá lớn trong nhân dân, đặc biệt là người dân các xã miền núi.

Song phải nói rằng, số các DN trước đây từng hăm hở hưởng ứng chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn hiện nay không nhiều. Sau một thời gian tìm hiểu và khai thác thị trường vùng ven này, DN thấy còn chưa đủ sức để tiếp tục. Cần nói thẳng ra đó là đầu tư kinh phí mà chưa đem lại hiệu quả tức thời như mong muốn. Ông Phan Hải (Giám đốc Công ty TNHH SX&TM BQ) nhìn nhận: Đưa hàng Việt về nông thôn phải có một chiến lược dài hơi, nghĩa là phải có một chiến lược xây dựng sản phẩm phù hợp với chất lượng, nhưng giá phải tốt nhất, do vậy thời gian đầu BQ tham gia với mục đích giới thiệu thương hiệu để người tiêu dùng nhận biết và dùng thử một số sản phẩm nhằm có thông tin hữu ích phản hồi, trên cơ sở này công ty có dữ liệu để cung cấp các sản phẩm phù hợp nhất. Do đó, qua việc tham gia các phiên chợ vùng ven, doanh số BQ vẫn chưa cao, nếu so với chi phí tham gia thì hiệu quả rất thấp. Ông Hải cũng cho biết, ông không “thả tay” với thị trường này, trong thời gian đến sẽ tiếp tục ưu tiên cho nông thôn. Cụ thể, giày BQ sẽ nghiên cứu một dòng sản phẩm phù hợp với giá tốt nhất, chất lượng bảo đảm.

Mô hình siêu thị mini của Co.op Mart ĐN với hơn 90% các mặt hàng là hàng Việt đã nhanh chóng lấy được cảm tình của khách hàng. Mục tiêu đưa hàng Việt về với bà con nông thôn của Co.op Mart Đà Nẵng phải bảo đảm tiêu chí “4 không”: không tính chi phí vận chuyển, không tính chi phí nhân công, chi phí tuyên truyền và các chi phí phát sinh khác.

Thực tế với gần 10 phiên chợ hàng Việt được tổ chức khắp các địa bàn vùng ven Đà Nẵng năm 2010 đã thu được nhiều kết quả. Đó là lý do vì sao UBND thành phố đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các DN tham gia bán hàng miền núi và vùng ven. Và cụ thể, đã hỗ trợ chi phí 240 triệu đồng để nhà bán lẻ Co.op Mart ĐN tổ chức 8 chuyến bán hàng lưu động về các địa phương từ tháng 4 đến tháng 8 tới.

Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thì đa số các DN đều có khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường và khả năng bán hàng, nhưng để tiếp cận thị trường nông thôn thì không dễ dàng vì kinh phí trong khâu lưu thông rất tốn kém. Vì thế, bên cạnh chất lượng sản phẩm tốt, hệ thống phân phối, tiếp thị, hậu mãi hoàn hảo, thì bài toán giá cũng phải được tính toán thật chi li để sản phẩm trụ vững được  tại thị trường nông thôn.

Bài và ảnh: Duyên Anh
;
.
.
.
.
.