.

An toàn cho ngư dân

.
Thử thách lớn nhất của ngư dân là đối mặt với bão, áp thấp nhiệt đới, kể cả gió mùa đông bắc cường độ mạnh. Tổn thất xảy ra đều do họ nắm bắt thông tin về thiên tai chưa kịp thời, không kịp thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, thiếu các trang bị cứu sinh cần thiết… Do vậy, công tác hỗ trợ an toàn cho ngư dân trên biển đã được các ngành chức năng quan tâm giải quyết. 

Mô tả ảnh.
 Bộ đội Biên phòng thăm hỏi ngư dân được cứu nạn trên biển trở về.
 
Hiện nay, thông tin về thời tiết xấu trên biển, ngay khi vừa hình thành đã được 18 Đài thông tin duyên hải dọc bờ biển cả nước, phủ sóng toàn bộ biển Đông, truyền đi. Ngoài 18 đài này, các đơn vị Bộ đội Biên phòng cũng thường xuyên dùng thiết bị chuyên dụng liên lạc với ngư dân, thông báo tình hình thời tiết trên biển. Đến nay, 100% tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng đã trang bị máy ICOM, hầu hết tàu thuyền hoạt động ở tuyến lộng và gần bờ có radio và máy trực canh.
 
Chỉ tính từ bão Chanchu (2006) đến nay, thành phố đã trang bị 97 máy ICOM cho 97 tổ đội đánh bắt trên biển. Cuối năm ngoái, Chi cục Thủy sản trang bị cho 300 tàu, mỗi tàu 1 máy trực canh. Năm 2010, riêng Bộ đội Biên phòng thành phố đã thực hiện 8.912 phiên liên lạc với 10.808 lượt tàu, kêu gọi 2.041 lượt tàu/9.948 ngư dân chạy về đất liền trú bão kịp thời. Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng tiếp nhận và xử lý 54 tin cấp cứu từ tàu thuyền, giúp cơ quan chức năng tổ chức cứu hộ cứu nạn 52 tàu cá và 142 ngư dân gặp nạn kịp thời. 

Mô tả ảnh.
Ngư dân được hỗ trợ áo phao cứu sinh.
 
Chất lượng tàu thuyền và đánh bắt theo đội hình tổ đội cũng là yếu tố rất quan trọng trong việc phòng chống thiên tai trên biển. Ông Nguyễn Đỗ Tám, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết đến nay, 100% trong số gần 1.200 tàu do chi cục quản lý đã đăng ký, đăng kiểm chu đáo. Qua đăng ký, đăng kiểm, hỏng hóc của tàu được khắc phục, sửa chữa kịp thời. Đối với trang thiết bị cứu sinh, các tàu được đăng ký, đăng kiểm khá đầy đủ. Cuối năm ngoái, chi cục đã cấp phát hơn 300 áo phao cho ngư dân. Theo ông, áo phao ngư dân tự chuẩn bị là chính. Hiện nay, đánh bắt trên biển đã theo đội hình tổ đội, nhờ vậy nhiều tàu gặp nạn được các tàu đi cùng ứng cứu kịp thời.

Có thể nói, ngư dân Đà Nẵng ngày càng có trách nhiệm hơn trong công tác phòng chống thiên tai trên biển, họ chuẩn bị khá chu đáo trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đối phó với bão, áp thấp nhiệt đới và các sự cố xảy ra trên biển. Tuy vậy, nhiều tàu công suất nhỏ không có máy liên lạc và phao cứu sinh, đơn cử như ở Nam Ô 2 phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu), một số ngư dân cho biết do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không mua được. Họ mong muốn cấp trên hỗ trợ cấp phát phao cứu sinh và radio để khi ra biển an tâm hơn. 

Bài và ảnh: Hoài Nam
;
.
.
.
.
.