.

Đổi thay nhờ trồng rừng

.
Hòa Bắc là một trong những xã miền núi của huyện Hòa Vang còn nhiều khó khăn. Những năm qua, nhờ chính sách giao đất giao rừng của Nhà nước, người dân nơi đây đã triển khai các mô hình kinh tế rừng có hiệu quả.
 
Mô tả ảnh.
Nhờ trồng rừng mà gia đình chị Trương Thị Muộn đã xây được nhà và có chút vốn làm ăn.
 
Ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: Sống ở đây nếu không biết bám đất trồng rừng thì không biết khi nào đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Cơtu, mới đổi đời được. Nhờ có trồng rừng mà đời sống của bà con đã và đang thay đổi rõ rệt. Có nhiều gia đình mỗi vụ thu hoạch cả trăm triệu đồng từ việc trồng rừng. Hiện ở xã có 167 hộ là người dân tộc Cơtu sinh sống. Trước đây, bà con sinh sống bằng cách khai thác các lâm sản tự nhiên, đốt rừng làm nương rẫy. Từ khi có chính sách giao đất giao rừng của Nhà nước, hỗ trợ giống cây và tổ chức tập huấn kỹ thuật cơ bản, bà con đã nhận đất, tích cực trồng rừng, phát triển cây keo lai có hiệu quả.

Được biết, toàn xã có hơn 34 nghìn ha đất tự nhiên, trong đó 80% là đất lâm nghiệp. Năm 2006, xã Hòa Bắc tiến hành làm thủ tục giao gần 500 ha đất lâm nghiệp cho 140 hộ nông dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơtu) để trồng rừng. Đến nay, trên diện tích đã giao, keo lên xanh ngút ngàn, đã thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cho những người trồng rừng.

Nhiều hộ gia đình trước đây chưa trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn thì bây giờ kinh tế đã khấm khá hẳn lên. Chỉ tính riêng vụ thu hoạch keo vừa qua, gia đình bà A Lăng Thị Thảo, Trương Thị Muộn, anh Phan Văn Cảnh ở thôn Tà Lang; hộ anh Đinh Văn Mai, Trương Văn Xô… thôn Giàn Bí cũng thu về gần 100 triệu đồng/hộ. Bà A Lăng Thị Thảo cho biết: “Nhờ có rừng mà đời sống của người dân trong thôn ngày càng được cải thiện, bà con đã mua được xe máy, ti-vi, tủ lạnh và các vật dụng cần thiết cho gia đình. Bây giờ đã hết cảnh phá rừng làm nương rẫy, người dân Cơtu đã biết làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình rồi. Biết ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm!”. “Nếu không bám đất trồng rừng, không biết đến khi nào gia đình tôi mới xây được nhà, mua được xe máy, ti-vi và có thêm chút vốn làm ăn, cải thiện cuộc sống như bây giờ. Trước đây chưa được giao đất, từ người già đến người trẻ trong làng chỉ biết đi phá rừng làm nương rẫy, săn bắt kiếm sống qua ngày”, chị Trương Thị Muộn, thôn Tà Lang nói.

Đánh giá về hiệu quả từ việc trồng rừng, bà Bùi Thị Ga, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Bắc cho rằng: “Nhờ chính sách giao đất giao rừng của Nhà nước, bà con Cơtu đã phát huy quyền làm chủ trên chính mảnh đất của mình. Ngoài chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với bà con, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tốt nhất để người dân có điều kiện phát triển sản xuất. Hiện 100% hộ dân của xã đã được vay vốn của Chính phủ để phát triển kinh tế hộ gia đình, đầu tư vào trồng rừng… Mặc dù hai trận bão năm 2006 và 2009 đã gây thiệt hại không nhỏ, khi cây keo lai mới được 3 - 4 năm tuổi bị gãy đổ, bà con đã phải bán tháo bán đổ với giá thấp, lại phải tốn công, tốn giống cho vụ sản xuất năm sau.
 
Từ năm 2010, xã động viên bà con trồng lại cây keo lai, đến thời điểm này trồng được 70% diện tích rừng. Ông Hồ Tăng Phúc cho biết thêm: Hiện nay, xã vận động bà con trồng lại diện tích rừng sau bão, đồng thời có các mô hình đan xen như trồng cây sầu đông, mây tre đan... giúp nhân dân ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương sẽ tiếp rục kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ bà con về giống cây, phân bón… Điều quan trọng là bà con phải biết vượt qua những khó khăn và quyết tâm bám đất trồng rừng, bảo vệ và chăm sóc rừng, góp phần vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài và ảnh: Duyên Anh
;
.
.
.
.
.