Nuôi yến gần 3 năm nay, kiến trúc sư Nguyễn Minh Sơn (quận Hải Châu) ấp ủ giấc mơ thành phố bên sông Hàn sẽ có thương hiệu yến sào, như Hội An (Quảng Nam) và Khánh Hòa.
Yến chao liệng rợp trời mỗi khi ra khỏi tổ và trở về. |
Gọi yến
Đến bây giờ, anh Sơn cũng không hiểu loài chim nhỏ cánh đen, bụng xám đã hấp dẫn anh từ lúc nào. Ngày ngày nhìn đàn yến râm ran chao liệng rợp trời khi ra khỏi tổ vào mỗi sáng và trở về lúc chiều tà, anh Sơn lại thấy lâng lâng hạnh phúc. Anh thường dùng vòi nước bắn tung tóe lên cao để yến mỗi lần trở về đều có thể bay lượn nhiều vòng và tắm mát trước khi chui vào tổ.
Mất thời gian khá dài để nghiên cứu, tìm hiểu về kỹ thuật nuôi yến ở trong nước cũng như tại Malaysia, Thái Lan, đồng thời khảo sát vị trí nhà có yến bay qua, anh Sơn mới mạnh dạn thực hiện ý tưởng của mình. Ngôi nhà kiến trúc Pháp 2 tầng ở đường Trưng Nữ Vương do anh thiết kế nay vừa là tổ ấm của anh, vừa là nơi trú ngụ của hơn 1.000 chim yến. Tầng một là nơi ở, tầng hai là “đảo yến” mà ngoài chủ nhân, hiếm ai được “mục kích” không gian đặc biệt này.
Anh Sơn cho biết các nhà nuôi yến tại Đà Nẵng đều thu hút chim từ Cù lao Chàm, nhưng việc dẫn dụ được loài chim biển này không hề đơn giản. Bản chất của yến đảo hoang dã và không thích sống trong nhà nên đòi hỏi phải nghiên cứu tỉ mỉ về vị trí nhà, môi trường và cần có “bí quyết” gọi chúng. Ngoài việc có cơ sở hạ tầng, còn phải bảo đảm đầy đủ điều kiện về không gian ẩm, tạo mùi, máy điều hòa nhiệt độ, cửa bay ra và bay vào, hệ thống camera… Tiền đầu tư lên đến gần 2 tỷ đồng cũng đủ để anh Sơn chóng mặt, nhưng trót đam mê nên không thể bỏ cuộc. Anh Sơn ra tận Cù lao Chàm để thu trực tiếp tiếng kêu của yến đảo.
Ba tháng sau, yến bắt đầu bay vào nhà anh. Sáu tháng sau, chim thành bầy. Cứ thế, số lượng chim yến kéo nhau về làm tổ và sinh sản tăng dần lên.
Hiện ở Đà Nẵng, việc nuôi yến chưa phổ biến và hoàn toàn tự phát nên mỗi người có cách dẫn dụ riêng, việc xây nhà nuôi yến cũng khác nhau. Có người dùng tầng nhà cao nhất làm “đảo yến”, đồng thời gọi yến bằng cách tạo mùi và âm thanh thu được của loài chim này ở Khánh Hòa. Cũng có người đang xây nhà cao tầng thì tình cờ yến vào, thế là ngẫu nhiên sống chung với yến.
Giấc mơ thương hiệu
Yến làm tổ trong nhà của kiến trúc sư Nguyễn Minh Sơn. |
Ngày qua ngày, bầy yến dùng nước bọt xây nên những chiếc tổ và được gọi là yến sào. Tổ yến là sản vật quý, cũng là vị thuốc được tôn vinh như thần dược mà ngày xưa chỉ có vua chúa mới dùng.
Theo anh Sơn, nuôi yến thu nguồn lợi rất lớn nhưng tỷ lệ rủi ro lại cao. “Nếu nuôi yến theo phong trào, nghĩ đến lợi nhuận mà bỏ qua những vấn đề về kỹ thuật thì rất dễ thất bại. Làm nhà xong, gọi yến thì chưa hẳn yến vào, nếu vào rồi cũng chưa chắc ở lại”, anh Sơn tâm sự. Yến sào Hội An hiện có giá trung bình 70 triệu đồng/kg; yến sào Khánh Hòa loại nguyên tổ hơn 60 triệu đồng/kg, loại yến huyết hơn 160 triệu đồng/kg, đắt gấp đôi so với yến của miền Nam.
Đến nay, anh Sơn chỉ đơn thuần dùng tổ yến làm quà tặng bạn bè, người thân, nhưng anh hy vọng sự đam mê và nỗ lực của mình sẽ giúp mang lại hiệu quả lớn trong tương lai. Trang trại nuôi yến của anh Sơn tại thị trấn Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cũng là nơi trú ngụ của gần 1.000 chim yến. Anh Sơn mong muốn Đà Nẵng sẽ có Hội những người yêu thích chim yến để chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau xây dựng, phát triển thương hiệu yến sào ở thành phố này. Anh cũng đang nghiên cứu mô hình kiến trúc nhà chim phù hợp với từng không gian sinh thái. “Đà Nẵng có sông, núi, biển và hội tụ nhiều yếu tố khác để phát triển mạnh du lịch. Việc có thương hiệu yến sào Đà Nẵng sẽ góp thêm một đặc sản làm quà cho du khách”, anh Sơn nói.
Bài và ảnh: TÚ PHƯƠNG