.

Hiệu quả chương trình bình ổn giá

.
Cũng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, Đà Nẵng đã triển khai chương trình bình ổn giá ở một số mặt hàng thiết yếu nhằm tránh tình trạng “tăng lương tăng giá” thường thấy.
 
Mô tả ảnh.
các loại rau củ hiện nay tương đối ổn định về giá.
 
Việc mở các quầy hàng bình ổn tại nhiều chợ lớn trên địa bàn như chợ Hàn, chợ Cồn, Đống Đa, An Hải Đông, Cẩm Lệ, Hòa Khánh và nhất là các xe bán hàng lưu động về huyện Hòa Vang đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Tại các điểm bán hàng như thế này, người dân được phục vụ các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, rau, củ, trái cây với số lượng không hạn chế với giá giảm từ 10-15% so với giá thị trường. Khảo sát giá bán mặt hàng cùng loại của hộ kinh doanh trong chợ và các điểm bán hàng bình ổn giá cho thấy, ban đầu có sự chênh lệch đáng kể, song cho đến thời điểm hiện tại, nhiều mặt hàng giá tương đương nhau, thậm chí như chợ Hòa Khánh, 10 ngày sau khai trương điểm bán hàng bình ổn, thành phố đã cho dừng bán vì thực phẩm ở đây khá phong phú, giá cả tương đối phù hợp.
 
Tính đến cuối tháng 5-2011, tổng số lượng rau củ quả các loại do tiểu thương chợ Đầu mối Hòa Cường đảm nhiệm bán ra 30.328kg, trung bình mỗi điểm bán 7.582kg. Công ty TNHH Đắc Vinh đã bán ra trên 100 ngàn kg thịt heo các loại, trung bình mỗi điểm bán đạt 12.869kg.
Theo giá bình ổn, thịt heo mông ở mức 92 ngàn đồng/kg, thịt ba chỉ và thịt vai 84 ngàn đồng, xương nạc 65 ngàn đồng, trong khi đó giá bán thị trường tăng hơn từ 10-15 ngàn đồng/kg. Cũng tương tự, giá rau củ quả như cà chua 6-7 ngàn đồng/kg, cà rốt Đà Lạt 7-8 ngàn đồng/kg, các loại rau cải, rau muống, rau ngót, mồng tơi, dưa leo, khổ qua giảm hơn so với giá thị trường 1.500-3.000 đồng/kg. Điều này cho thấy, việc tổ chức bán hàng bình ổn giá đã có tác động tích cực lên giá cả các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng, tạo tâm lý an tâm đối với người dân.
 
Tác động đó còn nhìn thấy rõ ở tâm lý các tiểu thương hiện nay, họ rất lo sợ nếu tăng giá kiểu “tát nước theo mưa” sẽ rất khó bán được hàng. Dù vậy, ngay từ những ngày đầu thực hiện chủ trương của thành phố, Ban quản lý các chợ đã thông báo và tuyên truyền cho tiểu thương biết và chấp hành, song vẫn vấp phải cản trở của nhiều người. Ông Nguyễn Văn Lương, Trưởng BQL chợ Đống Đa cho hay, nhiều chị em kinh doanh trong chợ lúc đầu phản ứng rất dữ, gây trở ngại cho các nhân viên ở điểm bán hàng bình ổn, nhưng sau khi giải thích, họ đã hiểu và điều chỉnh giá bán sao cho tương đồng. Đối với mặt hàng thịt heo bán tại chợ Túy Loan sáng ngày 11-5, cũng vấp phải tình trạng tiểu thương trong chợ ra gây hấn với nhân viên bán hàng của Công ty Đắc Vinh, có hộ còn thuê người đến đổ thịt tại điểm bán hàng bình ổn, gây mất an ninh trật tự chợ.

Đây là năm đầu tiên thành phố Đà Nẵng cho triển khai bán hàng bình ổn giá với thời gian kéo dài hơn 2 tháng, do đó vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần rút kinh nghiệm để khắc phục cho các dịp sau. Theo ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương, bình ổn giá là công việc lâu dài, nhất là các thời điểm nhạy cảm như lễ, Tết, hay mùa mưa. Thành phố cũng cần chủ động nguồn quỹ dự trữ phòng khi cần là có ngay như đã làm trong thời gian qua, đó là việc tạm ứng cho các đơn vị kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu như Co.op Mart, Công ty Lương thực Đà Nẵng, Công ty Đắc Vinh... khi đưa hàng về phục vụ vùng ngoại thành.

Với nỗ lực kiềm chế tăng giá, cách làm bình ổn giá của Đà Nẵng là kịp thời và bước đầu tạo được hiệu ứng tốt trên thị trường. Hơn 1 tháng qua, bên cạnh những tác động khách quan, giá hàng hóa ở Đà Nẵng đã có sự giảm tốc. Hiện giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn ổn định và đang có xu hướng giảm dần so với tháng trước.

Bài và ảnh: Duyên Anh
;
.
.
.
.
.