.

Quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép khai thác đá

.

Đà Nẵng đang triển khai nhiều dự án lớn, điều này đã và đang tạo nên một thị trường nguyên vật liệu xây dựng khá sôi động, trong đó có sự đóng góp một khối lượng lớn đá xây dựng từ các mỏ đá trên địa bàn. Thế nhưng trong thời gian gần đây, tình trạng khai thác đá diễn ra phức tạp, gây mất an toàn trong lao động, đặc biệt ở những khu vực khai thác đá trái phép.

 

Mô tả ảnh.
Để bảo đảm an toàn lao động, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác đá tại các mỏ đá.

 

Trong thời gian qua, việc các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, thắt chặt hơn các hoạt động mỏ đá trên địa bàn đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền thành phố trong hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên này. Chính vì vậy, việc kiểm tra và cấp phép cho các doanh nghiệp (DN) khai thác đá phải chặt chẽ và có ảnh hưởng đến số ít DN. Theo Công ty CP đá xây dựng Hòa Phát, trước đây, việc cấp phép để hoạt động khai thác diễn ra nhanh chóng, nhưng đến thời điểm hiện nay, công ty đã chờ rất lâu vẫn chưa được cấp phép gia hạn khai thác.

Vào tháng 12-2010, khi mỏ đá hết hạn khai thác, công ty đã làm hồ sơ xin gia hạn khai thác, thế nhưng đến thời điểm này, giấy phép khai thác vẫn chưa được cấp. Do vậy, công ty không mua được thuốc nổ để khai thác nên máy móc và gần trăm công nhân phải làm cầm chừng, trong đó những lao động có hợp đồng ngắn hạn phải buộc cho nghỉ việc vì không có việc làm. “Việc kiểm tra hoạt động tại các mỏ đá là điều cần thiết, tuy nhiên UBND thành phố và các ngành liên quan cần xem xét lại những công ty có đủ năng lực, điều kiện thì nên sớm cấp phép để đơn vị tiếp tục được hoạt động”, ông Phương Văn Thành, Giám đốc công ty cho biết.

Cũng chung nỗi niềm này, ông Nguyễn Văn Chưởng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Cẩm Phát cho hay, công ty ông vừa mới được cấp phép khai thác lại, tuy nhiên chỉ được cấp trong thời hạn 1 năm, trong khi đó trước đây giấy phép được khai thác trong 3 năm. Điều này làm khó cho đơn vị rất nhiều vì không dám bỏ tiền vào đầu tư trang thiết bị mới vì giấy phép chỉ có 1 năm. Công nhân cũng phập phồng lo việc làm sẽ không ổn định, các bạn hàng lớn cũng e ngại khi ký hợp đồng với mình.

  Tìm hiểu thực tế tại một số mỏ khai thác đá cho thấy, nếu DN nào có đủ tiềm lực kinh tế hoạt động lâu dài, đã được UBND thành phố cấp phép khai thác dài hạn với diện tích mỏ đá lớn thì các DN đó đều chú trọng đầu tư máy móc mới, trang thiết bị hiện đại để khai thác khoáng sản theo phương pháp tiên tiến. Còn đối với DN được cấp phép ngắn hạn, diện tích khai thác nhỏ thì đa số các DN không dám đầu tư trang thiết bị hiện đại, thậm chí DN cũng không quan tâm nhiều đến việc mua sắm bảo hộ lao động cho người lao động.

Theo thống kê từ Phòng Quản lý khoáng sản và khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường), tính đến ngày 25-5-2011, trên địa bàn thành phố có 36 mỏ đá, trong đó có khoảng 20 mỏ đá đã và sắp hết hạn khai thác. Hầu hết các mỏ đá đã và sắp hết hạn khai thác, các đơn vị đã gửi hồ sơ xin gia hạn khai thác tiếp. Hiện tại, UBND thành phố đã cấp phép gia hạn khai thác cho một số đơn vị và đang tiến hành làm thủ tục cấp phép cho 5 đơn vị  được khai thác tiếp, tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị chưa có chủ trương trình hồ sơ cho thăm dò, khai thác.

Lý giải về điều này, ông Phan Văn Định, Phó phòng Quản lý khoáng sản và khí tượng thủy văn cho biết, Văn phòng UBND thành phố có Công văn số 3447 ngày 5- 8-2010 về việc tạm dừng xử lý, giải quyết hồ sơ liên quan đến thăm dò, khai thác khoáng sản của 8 trường hợp do Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển hồ sơ lên UBND thành phố. Ông Định cũng cho biết thêm, đối với các đơn vị đã hết hạn khai thác và đang làm thủ tục xin gia hạn khai thác đá vẫn tiếp tục được phép khai thác bình thường đến khi nào thành phố có quyết định cho phép đơn vị đó được tiếp tục khai thác hay dừng hẳn khai thác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Công văn số 130 của Văn phòng UBND thành phố ngày 22-5-2008, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã có kết luận cụ thể về tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đối với khai thác đá xây dựng, thành phố đồng ý khoanh định, không cho phép thăm dò, mở rộng diện tích và cấp phép mới khai thác gồm 8 khu vực tiềm năng như: Khu Thủy Tú, khu Tân Ninh, khu Trung Nghĩa, khu Lộc Hà - Bắc đèo Đại La, khu núi Hồng Vàng - Dương Bó Lòng, khu Cẩm Khê… Đối với khu vực cấm khai thác và chế biến như khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; các khu quân sự, công trình và phòng thủ an ninh quốc phòng; khu du lịch…, UBND thành phố có kết luận đối với một số mỏ đá khi hết hạn khai thác sẽ không được cấp phép gia hạn khai thác. 

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay: Việc thực hiện một bước đổi mới trong việc quản lý và cấp phép cho các DN để vừa bảo đảm an toàn lao động, vừa phát huy hiệu quả cho các DN và điều quan trọng nữa trong quá trình khai thác khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ, phải bảo đảm an toàn lao động và giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Hiện Sở đã lập quy hoạch tổng thể khai thác khoáng sản đến năm 2015 và đang chờ thành phố phê duyệt, theo đó phân định rõ đối với các khu vực được hoạt động khoáng sản, khu vực cấm hoặc tạm thời cấm; quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; phân định rõ các khu vực quy hoạch nguyên liệu chung, khu vực đấu thầu, khu vực dự trữ tài nguyên quốc gia đối với các loại khoáng sản, bảo đảm quốc phòng-an ninh và phát triển kinh tế địa phương.

 

Điều 62, 63 Nghị định 160 của Chính phủ về quy định chi tiết Luật Khoáng sản có quy định cụ thể như sau: Đối với các trường hợp muốn xin gia hạn chế biến khoáng sản phải nộp hồ sơ cho cơ quan tiếp nhận trước ngày giấy phép hết hạn 90 ngày. Và  trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ của tổ chức trong nước xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, cơ quan tiếp nhận phải hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét việc cấp giấy phép. Đối với những trường hợp phức tạp cần có thời gian xem xét, thẩm định thì thời hạn thẩm định có thể dài hơn nhưng không quá 90 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

 

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.