.

Sản phẩm xanh trong xây dựng

.

Với thành phần chính là xi-măng, đá mạt, gạch không nung xi-măng cốt liệu đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của một sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng xây dựng vàng.

Mô tả ảnh.
Vật liệu xây không nung cũng được đưa vào thi công tại các khu resort ven biển.

 

Mục tiêu mới của ngành xây dựng

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, để sản xuất 1 tỷ viên gạch nung tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75 ha đất nông nghiệp với độ sâu khai thác là 2m và 150.000 tấn than, đồng thời thải khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Theo đà đó, đến năm 2020, nếu đáp ứng nhu cầu khoảng 42 tỷ viên gạch nung tiêu chuẩn, sẽ tiêu tốn khoảng 57 - 60 triệu m3 đất sét, tương đương 2.800-3.000 ha đất nông nghiệp và 5,3-5,6 triệu tấn than, thải ra khoảng 17 triệu tấn khí CO2. Những con số trên phần nào thể hiện tác hại to lớn của gạch nung đối với an ninh lương thực và môi trường, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.

Chính những vấn đề trên đã đặt ra cho ngành xây dựng Việt Nam một yêu cầu cấp bách là phải nhanh chóng phát triển vật liệu xây không nung để thay thế cho gạch nung truyền thống, nhằm bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện chính sách phát triển bền vững đối với ngành vật liệu xây dựng (VLXD), ngày  28-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển VLXD không nung đến năm 2020. Trong đó, gạch không nung xi-măng cốt liệu đã được chọn làm sản phẩm chủ đạo, chiếm tới hơn 70% vật liệu xây không nung nhờ sở hữu những tính năng ưu việt và thân thiện với môi trường. So với gạch nung truyền thống, gạch xi-măng cốt liệu có cường độ chịu nén cao hơn từ 50 đến 150% tùy chủng loại, giúp giảm thao tác thi công, tăng tốc độ xây dựng. Ngoài ra, sản phẩm còn khá gần gũi với người sử dụng vì dùng vữa thông thường, phù hợp với mọi quy trình kỹ thuật xây dựng. Vừa bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng xây dựng vàng, gạch xi-măng cốt liệu vừa là sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, gạch xi-măng cốt liệu, cũng như các vật liệu không nung khác, đã giải quyết 4 vấn đề: Tiết kiệm nguồn tài nguyên đất, tiết kiệm năng lượng do không dùng than đốt trong quá trình sản xuất và cũng từ đó giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, bảo vệ sức khỏe cho người lao động.

Mô tả ảnh.
Khu thương xá Vĩnh Trung Plaza Đà Nẵng là công trình dùng vật liệu xây không nung.

 

Tương lai cho dòng sản phẩm mới

Mới đây tại Đà Nẵng, Hội VLXD Việt Nam và Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) đã tổ chức hội thảo quốc tế để nâng cao nhận thức và mở đường cho đầu tư sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung. Theo Vụ VLXD, hiện tại sản lượng vật liệu không nung trên thị trường chỉ chiếm từ 4 - 7% tổng sản lượng gạch toàn quốc. Các sản phẩm nhập khẩu có giá bán quá cao, có loại lên đến 150 USD/m3 do sử dụng công nghệ sản xuất của CHLB Đức.

Theo ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD: “Định hướng đến 2020, vật liệu không nung chiếm khoảng 30 - 40% vật liệu xây thoạt nghe tưởng chừng khiêm tốn, nhưng rõ ràng trên nền tảng cơ chế chính sách hiện hành và thực tế đời sống xây dựng, chặng đường để đạt được mục tiêu khiêm tốn đó cũng không hề dễ dàng”.

Chủ tịch Hiệp hội VLXD, Tiến sĩ Trần Văn Huynh chia sẻ: “Hiện nay trên cả nước đã có khá nhiều DN mạnh dạn đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất gạch không nung nhưng việc tiêu thụ rất hạn chế. Để chương trình phát triển vật liệu không nung thành công, Nhà nước cần có chính sách cho vay vốn ưu đãi đầu tư, miễn giảm thuế VAT từ 0 - 5% để DN có điều kiện giảm giá thành sản phẩm; đồng thời có những chính sách cứng rắn để từng bước giảm áp lực cạnh tranh không sòng phẳng giữa hai ngành vật liệu không nung và vật liệu đất sét nung. Từ đó thiết lập thói quen tiêu dùng về vật liệu xây”.

Được biết, tại Đà Nẵng đã có nhiều DN đầu tư sản xuất vật liệu không nung mà điển hình là sản phẩm gạch bê-tông siêu nhẹ của Công ty TNHH Đầu tư & Thương mại DIC-Intraco Đà Nẵng. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết sự ra đời của gạch bê-tông nhẹ DIC-Intraco là một xu thế tất yếu, phù hợp với sự phát triển của ngành xây dựng. Đặc biệt, sự ra đời này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Đà Nẵng đang định hướng xây dựng Thành phố môi trường. Gạch bê-tông không nung DIC-Intraco được sản xuất trên dây chuyền tự động hiện đại theo công nghệ của Đức, có đặc tính tối ưu về độ bền, nhẹ, tiết kiệm năng lượng, cách âm, cách nhiệt, khả năng chịu lực, xây dựng nhanh, dễ dàng cắt và đặc biệt là rất thân thiện với môi trường.

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.