.

Thị trường nước giải khát: Trăm hoa đua nở

.

Liên tục ứng dụng công nghệ mới, các nhà sản xuất nước giải khát đã không ngừng cho ra thị trường mỗi năm hàng chục nhãn hàng mới, mà chỉ cần nhìn vào đó, người tiêu dùng đã hết sức bối rối...

Mô tả ảnh.
Công ty Coca Cola Đà Nẵng đa dạng hóa sản phẩm bằng việc đầu tư dây chuyền đóng chai nước suối Dasani có trọng lượng nhẹ nhất Việt Nam.

 

Chọn thức uống nào?

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên thị trường Việt Nam có khoảng 300 loại thức uống giải khát. Loại có gas, loại không gas và xu hướng gần đây là các loại nước uống đóng chai có nguyên liệu từ thiên nhiên như trái cây và lá chè xanh. Có thể kể ra hàng loạt thức uống đã quá quen với tiêu dùng người dân như: Trà xanh không độ, trà thảo dược Dr. Thanh, Pepsi, Coca, Bò húc, Sting, Mirinda…, chưa kể hàng trăm nhãn hiệu nước suối đóng chai, loại nào cũng được quảng cáo chiết xuất từ nguyên liệu tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Chị Lê Thị Thủy (kiệt 99, Phạm Như Xương) cho biết: “Thường ngày đến các địa điểm mua sắm như siêu thị, cửa hàng chuyên bán thức uống, tôi thật sự khó lòng chọn sản phẩm cho cả gia đình. Theo kinh nghiệm của bản thân, tiêu chí đầu tiên tôi chọn phải là những loại thức uống có lợi cho sức khỏe, có nguồn gốc rõ ràng và giá cả phải phù hợp. Song tôi cũng không quá phụ thuộc vào các loại nước giải khát đóng chai sẵn, nhất là gần đây có thông tin về các chất phụ gia gây hại”.

Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng có khả năng về tài chính để có thể thưởng thức các loại nước uống cao cấp. Đôi khi việc lựa chọn các loại nước giải khát chỉ là cảm tính. Đối với nhiều người, nước nào chẳng là nước uống. Với nhiều người trẻ, để giải quyết cơn khát chỉ dựa trên yếu tố không “thích” loại này, hợp gu loại kia. Hứa Thị Kiều Liên (SV năm 3, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch) nói rằng, “mỗi khi chọn một loại nước ngọt nào đó, em rất phân vân không biết thứ nào tốt hơn thứ nào, có khi nhờ bạn chọn, có khi bạn mời loại nào thì uống loại đó. Đa số các bạn trẻ như em có thói quen lựa chọn nước giải khát theo kiểu chọn các nhãn hiệu có hình dáng, mẫu mã bắt mắt, nước có màu sắc đẹp”. Thị hiếu trên của giới trẻ ngày nay cũng cho thấy, khách hàng luôn thay đổi trước sự choáng ngợp của hàng trăm loại nước giải khát. Một số người sử dụng các loại thức uống đã chế biến sẵn cho hay, nếu đứng trước quầy hàng có đủ các loại nước, đôi khi nghe ngóng xem thử khách hàng kia mua loại gì và mua theo xem loại nào tốt thực sự.

Đầu tư sản phẩm mới

Sự phát triển nhanh chóng của hàng trăm thức uống nhãn hiệu mới đã khiến thị trường nước giải khát trở nên cạnh tranh tương đối mạnh. Đại diện Công ty TNHH Tân Quang Minh cho hay, vừa qua công ty đã tung ra thị trường nhiều loại thức uống bổ dưỡng có chất lượng ổn định như Trà thảo dược Tam Thanh, nước ép trái cây Anuta, thạch rau câu trái cây Bidrico được tiêu thụ khá rộng rãi trên mọi miền. Mới đây, Công ty Coca tại Đà Nẵng đã lắp đặt và vận hành thành công dây chuyền sản xuất nước đóng chai Dasani, với tổng số vốn đầu tư hơn 3 triệu USD.

Đây là dây chuyền sản xuất thứ hai tại nhà máy ở Đà Nẵng với năng suất của dây chuyền liên tục được cải thiện từ 4.800 chai/giờ thời điểm mới đưa vào vận hành đến 6.000 chai/giờ hiện nay. Không chỉ vậy, nhiều hãng sản xuất nước giải khát như Tribico, Sabeco, Pepsico đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, phát triển doanh số thông qua việc tài trợ các chương trình văn hóa, thể thao, hỗ trợ các đại lý, các quán ăn, nhà hàng bằng hình thức lắp đặt biển hiệu, treo tờ phướn, băng-rôn, nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng với các nhãn hiệu thức uống mà họ sản xuất. Đến nay, mỗi năm các công ty này dành hàng trăm tỷ đồng để quảng cáo trên các phương tiện truyền thông cũng như hỗ trợ khách hàng sử dụng các vật dụng trong gia đình như tủ lạnh, khay, ống đũa, thùng đựng đá…

 Mùa hè đến là cơ hội để các nhà sản xuất nước giải khát tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong nước đã khẳng định, nước giải khát chỉ có thể giúp giải khát chứ không có nhiều chức năng bồi bổ và làm đẹp như việc quảng bá. Nhiều loại thức uống đánh vào tâm lý người tiêu dùng đang có khiếm khuyết như mong muốn làm đẹp da nhờ các loại nước ép từ dâu, táo, ổi, cam, cà chua, hoặc có chức năng hỗ trợ chữa bệnh, với mục đích để nhà sản xuất bán sản phẩm của mình “chạy” hơn đối thủ. Khuyến cáo của cơ quan chức năng đối với người tiêu dùng là không phải nước giải khát nào cũng đem lại sức khỏe, có khi ngược lại nếu lạm dụng.

Bài và ảnh: Xuân Duyên

;
.
.
.
.
.