.

Triển khai đấu thầu qua mạng

.
Giữa tháng 6-2011, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã triển khai phương thức đấu thầu qua mạng tại thành phố Đà Nẵng. Đấu thầu qua mạng đem lại nhiều lợi ích và minh mạch trong việc đầu tư mua sắm công.

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) triển khai phương án đấu thầu qua mạng tại Đà Nẵng.
 
Đấu thầu trực tuyến

Từ năm 2009, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KHĐT) đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) triển khai dự án “Xây dựng hệ thống mua sắm Chính phủ điện tử” (EPPS). Hệ thống EPPS được tích hợp tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn/. Theo chỉ đạo của Chính phủ, 3 đơn vị tham gia thí điểm đấu thầu trên hệ thống điện tử gồm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND thành phố Hà Nội.

Hệ thống EPPS chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2011 cho phép thực hiện qua mạng các nghiệp vụ sơ tuyển, phát hành hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, kiến nghị về kết quả đấu thầu, thông báo kết quả thầu… Ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, hiện trên hệ thống đã có hàng chục nghìn thông tin mời thầu và đã có gói thầu thực hiện thành công.

Để bảo đảm khách quan, minh bạch, EPPS áp dụng chữ ký số giúp bảo đảm giá trị pháp lý cho các tài liệu điện tử, kết quả đấu thầu các gói thầu, sự toàn vẹn, chống chối bỏ của thông tin; tem thời gian giúp bảo đảm cả bên mời thầu và nhà thầu không thể làm chệch hướng các quy trình. Theo đó, doanh nghiệp (DN) sau khi đăng ký vào hệ thống sẽ được xác minh, nếu được chấp nhận sẽ được cấp một chữ ký số. Sau đó DN được phép đăng thông tin mời thầu. Nhà thầu sau khi đăng ký thông tin và xác minh được cấp một chữ ký số để tiếp cận các nội dung đấu thầu, đăng ký dự thầu. Mỗi hồ sơ dự thầu khi nộp qua hệ thống EPPS được mã hóa và tự động gắn tem thời gian để bảo đảm hồ sơ nộp đúng thời hạn quy định và không mở trước thời điểm mở thầu. Kết quả đấu thầu được công bố công khai qua hệ thống EPPS.

Công khai và tiết kiệm

Những nội dung cần biết khi tham gia đấu thầu qua mạng
* Đấu thầu qua mạng được áp dụng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và EPC có hình thức lựa chọn nhà thầu gồm đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh và chỉ định thầu.
* Quy trình đấu thầu qua mạng gồm 5 bước: Thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu; phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ yêu cầu; nộp hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; mở thầu; thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu.
* Điều kiện về hạ tầng CNTT của người sử dụng:
Về mặt kỹ thuật, phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu như sau:
+ Đường truyền Internet: tốc độ tối thiểu 2Mbps; mở các cổng (port) 8080, 8081, 8082, 4501, 4502, 9000.
+ Cấu hình máy tính: hệ điều hành Windows XP, Windows Vista; trình duyệt Internet Explorer tối thiểu 6.0 trở lên; màn hình độ phân giải tối thiểu 1024x768.
Theo ông Nguyễn Sơn, việc công khai chào thầu mua sắm đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trên mạng sẽ tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động mua sắm công. Nhiều quốc gia trên thế giới đã ứng dụng hiệu quả hệ thống đấu thầu trực tuyến như: Đức, Romania, Hàn Quốc… Quy trình đấu thầu truyền thống rất tốn kém: Chi phí tài liệu in (tối thiểu 500.000 đồng/bộ hồ sơ mời thầu), chi phí đi lại để mua/nộp hồ sơ dự thầu… Chưa kể, nhà thầu phải nhận, chuyển tài liệu thầu qua đường bưu điện rất mất thời gian…
 
Với hệ thống cho phép đăng thông tin, tải/nhận tài liệu trực tuyến không những tiết kiệm thời gian mà còn hạn chế những hoạt động “lót tay”, giúp việc đấu thầu được minh bạch, công khai. Ngoài ra, theo quy định đấu thầu như hiện tại, bên mời thầu bị phụ thuộc vào bên thứ 3 là bên đăng tải thông tin (quy định thông tin mời thầu phải được đăng tải trên báo chí và Internet). Do đó, thông tin có thể bị đăng chậm, không đầy đủ, thiếu chính xác… Trong khi đó, với quy trình đấu thầu trực tuyến, trách nhiệm bên mời thầu được thể hiện rõ và chủ động hơn. Các nhà thầu cũng có thể tiếp cận các nội dung đấu thầu vào bất kỳ địa điểm và thời gian nào, được tạo điều kiện tham gia dự thầu.

Việc mua sắm công điện tử sẽ hướng tới hỗ trợ mua sắm công tập trung, trên tinh thần chống tham nhũng và lãng phí. Theo đó, đối với những hàng hóa các cơ quan công quyền có nhu cầu sử dụng mua sắm số lượng lớn có thể thực hiện mua sắm tập trung qua hệ thống đấu thầu điện tử. Việc này không chỉ giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tiết kiệm trong chi tiêu công cho Chính phủ, mà còn định hướng cho DN phát triển những ngành nghề mà Chính phủ thấy cần tăng cường ngay tại thị trường trong nước để làm cơ sở cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG
;
.
.
.
.
.