Sau 2 năm triển khai thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), do lạm phát cao, mức giảm trừ đã bộc lộ những bất cập khiến không ít người thuộc diện nộp thuế TNCN nhưng trên thực tế số thu nhập đó là chưa đủ sống.
Tốc độ trượt giá trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến người nộp thuế TNCN. |
Trở lại với thời điểm xây dựng Luật Thuế TNCN vào năm 2007 để thấy sau 4 năm, tốc độ tăng giá (hay chỉ số giá tiêu dùng - CPI) đã tăng trên 50%. Riêng trong 2 năm từ khi Luật Thuế TNCN có hiệu lực thi hành thì CPI đã tăng trên 30%. Như vậy cũng đủ thấy, với tốc độ trượt giá hiện nay, mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng chỉ đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cho một người ở mức hết sức tằn tiện. Đó là chưa kể đến trường hợp những gia đình hay cá nhân cán bộ, công chức phải còn ở nhà thuê, chung cư thuê thì lại càng bội phần khó khăn.
Anh Mai Văn Bảy, một thạc sĩ vừa mới ra trường, với mức lương khởi điểm bậc 2, cộng thêm một vài khoản thu nhập khác suýt soát gần 5 triệu đồng nên phải đóng thuế TNCN, nhưng sau khi trừ các chi phí như tiền thuê nhà, tiền cơm tháng, xăng xe, áo quần… thì thiếu trước hụt sau nên với các nhu cầu khác như giải trí, nghỉ dưỡng phải giảm ở mức tối đa.
Nếu xét theo đà trượt giá trong 4 năm qua, đặc biệt là những tháng cuối năm giáp Tết âm lịch thì áp lực lạm phát những tháng còn lại của năm 2011 sẽ còn khá cao, nhất là giá lương thực, thực phẩm và y tế, cũng như xăng dầu, điện, nước... còn tiếp tục gia tăng.
Mặc dù Chính phủ đã điều chỉnh tăng lương tối thiểu lên 650.000 đồng vào tháng 1-2009, 730.000 đồng vào tháng 5-2010 và tiếp tục điều chỉnh lên mức 830.000 đồng kể từ 1-5-2011, nhưng mức lương này chỉ đáp ứng được khoảng hơn nửa nhu cầu cơ bản của một cá nhân. Đó là chưa kể bài toán lạm phát luôn “đi kèm” sau mỗi kỳ tăng lương.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các mặt hàng không ngừng tăng giá khiến cuộc sống của người dân thêm khó khăn. Điều mà hầu hết những người làm công ăn lương chờ đợi từ cơ quan soạn thảo là điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho cả cá nhân đóng thuế và người phụ thuộc cho phù hợp với diễn biến lạm phát thực tế hiện nay. Đặc biệt, là mức giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng cho mỗi cá nhân phụ thuộc (cha mẹ, người tàn tật, vợ hay con nhỏ dưới 18 tuổi) này được cho là lạc hậu so với thực tế, nhất là khi giá cả nhiều mặt hàng tăng cao như hiện nay ảnh hưởng đến đời sống những người làm công ăn lương. Trong khi đó, Luật Thuế TNCN còn bộc lộ những bất cập cụ thể như: Mức giảm trừ gia cảnh chưa tính đến khu vực. Vùng nông thôn, thành thị, đồng bằng hay miền núi đều áp dụng như nhau, nhưng trên thực tế, mức chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày của một cá nhân ở thành thị lớn hơn rất nhiều so với nông thôn và miền núi. Mặt khác, cần sớm thể chế hóa lại mức khởi điểm tính thuế theo hướng vừa tăng mức tính khởi điểm, vừa tạo linh hoạt trong áp dụng của đơn vị, đối tượng chịu thuế và cơ quan thuế. Đáng chú ý là rất nhiều người có thu nhập ở mức 500.000 - 700.000 đồng/tháng đang chịu thiệt thòi vì không được tính là người phụ thuộc trong khi vẫn phải sống vào sự chu cấp của người thân.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, còn có nhiều bất cập trong tổ chức hành thu thuế TNCN. Cụ thể, việc tự động khấu trừ tại nguồn 10% tất cả các khoản chi trả thu nhập trên 500.000 đồng/lượt đã tạo nhiều bức xúc và thiệt thòi cho người lao động do sự áp dụng không giống nhau giữa các đơn vị và nhất là do thủ tục hoàn thuế cho các khoản khấu trừ bắt buộc trên là không rõ ràng và không thuận lợi cho người chịu thuế. Cách tính này dễ gây kẽ hở cho lạm thu từ đơn vị, nhất là bộ phận kế toán, và thất thu ngân sách Nhà nước...
Bài và ảnh: Phương Uyên