.

Chợ sớm

.

Những cái chợ tự phát chỉ hoạt động chừng 1 giờ đồng hồ sáng sớm, rồi vèo tan khi nắng lên và người người hối hả vào ca làm việc. Họp chợ chớp nhoáng lúc sáng sớm từ bao giờ trở thành “nếp sống” của người dân phố thị.

Mua nhanh, bán lẹ

 

Mô tả ảnh.
Họp chợ lúc sáng sớm trên đường Nguyễn Thái Học, bên hông chợ Hàn.


Nhiều bà nội trợ tranh thủ ghé chợ mua thức ăn sau giờ tập thể dục buổi sáng hoặc trước giờ đi làm. Theo họ, do cuộc sống bận rộn thì đây là cách tiết kiệm thời gian cho việc chợ búa, để yên tâm với ngổn ngang những công chuyện khác trong ngày. Có cầu ắt có cung. Những cái chợ sớm cung cấp hầu như không thiếu các loại thực phẩm thiết yếu. Thậm chí, nhiều nơi bày bán hàng trông rất tươi ngon, hấp dẫn vì tất cả mới được đánh bắt hoặc thu hoạch cách đó không lâu.

 

Từ 5 giờ 30 đến 6 giờ 30 mỗi sáng, dọc đường Nguyễn Tất Thành, cùng với các hoạt động thể thao, tắm biển là cảnh buôn bán rôm rả. Bắp luộc, đậu khuôn, rau củ, gà sống, thịt tươi, cá các loại... Có những người ở tận Quảng Nam mang hàng ra đây bán vào sáng sớm. Nhiều người thích đi chợ trên các tuyến đường ven biển cũng vì muốn mua “cá lưới”. Cá vừa được dân chài kéo lên, dù giá cả không hề rẻ, nhưng ai không nhanh tay khó mà mua được. “Khu chợ” này kéo dài từ Thuận Phước rải rác xuống Phú Lộc. 

Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi của các khu chợ tự phát này là những hệ lụy về cảnh quan, môi trường. Ở những đoạn đông người bán, nước bẩn, rác ngang nhiên được đổ ra đường. Một bờ biển đẹp vì thế cũng bị xấu đi đáng kể.

Cũng vào thời điểm ấy, khu vực chợ Hàn, phía đường Nguyễn Thái Học sôi nổi gấp nhiều lần. Người, xe chật như nêm vào ra mua bán. Phần ai nấy đứng, ngồi tràn kín mặt đường. Vẫn là một hình ảnh chung, rác, nước bẩn bị đổ xuống nền đường vô tội vạ. Nếu du khách vô tình “lạc lối” vào đoạn đường này lúc trời chưa cháy nắng, có lẽ họ sẽ không còn thấy sông Hàn thơ mộng như những gì vốn có.

Quản lý bằng cách nào?

Nhiều bà nội trợ cho rằng, họp chợ sớm là cần thiết và phù hợp với nhu cầu người dân thành phố. Việc chợ búa nhờ thế không ảnh hưởng nhiều đến thời gian làm ăn trong ngày của họ. Tuy nhiên, một nhận định chung là giá như hoạt động của các chợ này trật tự và bảo đảm vệ sinh hơn. Bởi Đà Nẵng cần được giữ xanh, sạch, đẹp vào cả những giờ... ít người ngắm.


Về vấn đề chợ tự phát trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành, ông Trần Tấn Lực, Đội trưởng Đội Quy tắc đô thị quận Thanh Khê cho biết, người dân tự ý tụ tập mua bán như vậy là sai quy định. Đội đã có sự phối hợp với các phường xử lý bằng cách yêu cầu giải tán, tịch thu vật dụng của người bán. Tuy nhiên, vì các hoạt động mua bán này chỉ diễn ra chớp nhoáng, đặc biệt lại rơi vào giờ... chưa tới phiên làm việc của anh em nên gần như vấn đề vệ sinh, trật tự chưa được quản lý chặt chẽ.

 

Trong khi đó, theo người đại diện Ban Quản lý Chợ Hàn, từ năm 2008, đoạn đường Nguyễn Thái Học, bên hông chợ được quận Hải Châu cho phép các tiểu thương buôn bán hai bên đường từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, nhằm phục vụ nhu cầu của người dân thành phố. Theo quy định, các hộ buôn bán chỉ được ngồi sát lề đường, chừa lòng đường cho người và các phương tiện khác lưu thông. Nhưng do ý thức người dân chưa tốt cùng với lực lượng quản lý an ninh trật tự (của chợ Hàn phối hợp với đội quy tắc đô thị địa phương-P.V) còn mỏng nên... “làm đầu này lại mất đầu kia”. Vào ngày rằm, người buôn bán hoa quả còn ngồi lấn một đoạn đường dài cả kilômét là chuyện chưa thể xử lý dứt điểm.


Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.