Dù hệ thống bán lẻ siêu thị hiện đại ra đời ngày càng nhiều và có sức hút đối với người dân, tuy vậy, hoạt động giao thương tại các chợ vẫn diễn ra sôi nổi, bắt nguồn từ thói quen mua bán ở chợ từ ngàn xưa.
Xóa chợ tạm, đầu tư chợ mới
Nâng cấp các chợ truyền thống để tăng sức cạnh tranh với các siêu thị hiện đại. |
Theo BQL chương trình phát triển chợ Đà Nẵng, hiện toàn thành phố có 85 chợ, phân bổ ở khắp các khu vực thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, việc xây dựng chợ cả về quy mô lẫn loại hình vẫn chưa xứng tầm với một đô thị loại 1. Các tiêu chí về văn minh thương mại, vệ sinh môi trường vẫn chưa thực hiện tốt, số lượng chợ hạng 3, chợ tạm vẫn còn quá nhiều, chiếm hơn một nửa trên tổng số chợ, gây mất mỹ quan thành phố, trong khi một số chợ được đầu tư nhưng thiếu quy hoạch dẫn đến không khai thác hết công năng như chợ Phú Lộc, Thanh Khê 1, Hòa Khê (quận Thanh Khê), Túy Loan (Hòa Vang) gây lãng phí tiền của đầu tư.
Vấn đề xóa chợ tạm, chợ cóc, đại diện lãnh đạo UBND các quận, huyện cho biết, thực hiện chủ trương của thành phố, một số địa phương đã làm như xử lý dứt điểm các chợ cóc Tam Giác và Nguyễn Hoàng, đường nội bộ chợ Cồn…, song muốn làm triệt để cũng không đơn giản vì phần lớn những chợ tạm khi giải tỏa không có địa điểm khác thay thế. Tính đến cuối tháng 6, tổng số chợ tự phát trong phạm vi nội thị được giải tỏa 35/45 chợ, 10 chợ còn lại vẫn chưa giải tỏa được với lý do phải đợi đầu tư nâng cấp và xây dựng mới một số chợ để bố trí các hộ này vào kinh doanh.
Theo kế hoạch, đến năm 2015, dự kiến sẽ giải tỏa thêm 15 chợ tạm, hạn chế phát triển chợ nội thị, nâng cấp, đầu tư xây mới chợ hiện có. Dự kiến có thêm 20 chợ xây mới và 28 chợ được nâng cấp. Đến năm 2020 còn khoảng 60 chợ hiện đại và văn minh.
Trong buổi tổng kết chương trình phát triển chợ giai đoạn 2005-2010, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết nhấn mạnh, trước mắt phải giải tỏa triệt để các chợ tạm và nâng cấp các chợ hạng 3, hướng đến xã hội hóa đầu tư khai thác chợ, hình thành các chợ chuyên doanh. Thành phố sẽ đặc biệt chú trọng xây dựng văn minh thương mại tại các chợ, gắn hoạt động kinh doanh với phát triển dịch vụ du lịch. Bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng thương mại hiện đại thì việc phát triển, nâng tầm các chợ truyền thống còn nhằm đa dạng kênh phân phối hàng hóa phục vụ tốt nhu cầu mua sắm cho nhân dân và du khách, đồng thời duy trì nét văn hóa của người Việt.
Khuyến khích chuyển đổi mô hình quản lý chợ
Những năm qua, tuy số lượng các chợ tăng nhanh nhưng phân bổ không đều, tập trung vào những nơi dân cư đông đúc. Đa số các chợ có quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán hằng ngày của dân cư tại địa phương. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở các chợ còn thấp, nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ chủ yếu là vốn ngân sách, công tác quản lý chợ chưa thu hút rộng rãi các thành phần kinh tế. Trước những đòi hỏi thực tế, thành phố có những định hướng để đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý khai thác chợ ngày một hiện đại. Mô hình hợp tác xã chợ (HTX) được triển khai thí điểm tại chợ Hòa Cường là một ví dụ. HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Hòa Cường là HTX chợ đầu tiên trên địa bàn thành phố. HTX này đã huy động được 5 tỷ đồng góp vốn của xã viên đầu tư xây dựng chợ Hòa Cường với diện tích 3.200m2, tiếp nhận hơn 200 hộ kinh doanh từ chợ tạm Nam Sơn vào kinh doanh ổn định. Thành phố cũng đã từng bước xã hội hóa công tác quản lý và kinh doanh các chợ như đầu tư khai thác Trung tâm Thương mại – Siêu thị Đà Nẵng.
Tổng vốn dự kiến đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 khoảng 1.241,5 tỷ đồng dành cho 48 chợ, trong đó vốn ngân sách Trung ương 66,5 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 265,1 tỷ đồng và vốn do doanh nghiệp đầu tư (bao gồm vốn HTX, hộ kinh doanh) 909,9 tỷ đồng. (Nguồn: BQL Chương trình phát triển chợ) |
Theo BQL Chương trình phát triển chợ giai đoạn 2011-2015, ngay trong năm nay, các quận, huyện củng cố hoạt động các Ban Quản lý chợ, chọn 1-2 chợ thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý theo mô hình doanh nghiệp hoặc HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ phù hợp với từng loại chợ. Đến năm 2015, thành phố thực hiện chuyển đổi 25% số chợ theo mô hình doanh nghiệp quản lý hoặc HTX quản lý chợ, đồng thời xã hội hóa công tác xây dựng và nâng cấp chợ bằng nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế khác. Mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Cùng theo đó, theo ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương, các cơ quan, ban, ngành cần tiếp tục chăm lo công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chợ đối với cán bộ, nhân viên quản lý chợ, mở các lớp kỹ năng bán hàng, kỹ năng giao tiếp văn minh trong thương mại, huấn luyện phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường nhằm nâng cao nhận thức cho các thương nhân, hướng đến chợ truyền thống ngày càng văn minh.
Bài và ảnh: Duyên Anh