.

Doanh nghiệp vận tải: Thua trên sân nhà

.
Kết thúc năm 2009 lần đầu tiên lượng hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng vượt mốc 3 triệu tấn, năm 2010 tăng lên 3,3 triệu tấn. Riêng 6 tháng đầu năm nay, lượng hàng hóa thông qua cảng tiếp tục tăng trưởng mạnh với gần 2 triệu tấn. Với đà tăng trưởng này, con số 3,8 triệu tấn hàng hóa vào cuối năm hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Mô tả ảnh.
Minh Toàn là một trong số ít nhà vận chuyển đầu tư khai thác hàng hóa đi và đến Cảng Đà Nẵng.
 
Lẽ thường ở bất cứ ở địa phương nào, hoạt động của hệ thống cảng phát triển tốt, thì hoạt động vận tải đường thủy lẫn đường bộ, thậm chí cả đường sắt nơi đó sẽ được hưởng lợi theo. Thế nhưng thực tế tại Đà Nẵng cho thấy, các doanh nghiệp của thành phố đã bị “thua ngay trên sân nhà” khi phần lớn thị phần vận chuyển hàng hóa cả đường thủy lẫn đường bộ đều rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài hoặc địa phương khác. Về vận tải đường biển, nhìn vào danh sách đối tác của Cảng Đà Nẵng chuyên vận tải hàng container có đến 30 hãng đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có những nhà vận chuyển rất nổi tiếng như Wanhai, Maerx, ACL, IAL, CMA-CGM, Gemadept huyndai... nhưng gần như không có một cái tên nào của các nhà vận tải Việt Nam.
 
Theo ông Nguyễn Hữu Sia, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng, lý do đơn giản là các nhà vận chuyển của Việt Nam không thể đưa ra giá cước tốt hơn các nhà vận chuyển quốc tế. Một ví dụ là lâu nay, hàng hóa từ Cảng Đà Nẵng đi các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á do các nhà vận tải Việt Nam đảm nhận giá luôn cao hơn mặt bằng chung khoảng 20-30%, thế nhưng khi các nhà vận chuyển quốc tế đảm nhận, giá cước đã hạ xuống được 20-30%. Đơn cử, hiện nay vận chuyển một container loại 20 feet đi Singapore chỉ còn  400 USD, đi Hồng Kông 500 USD, Đài Loan 800 USD... ngang bằng với mặt bằng giá của thế giới nên được doanh nghiệp chấp nhận.

Đặc biệt trên lĩnh vực vận tải đường bộ, các doanh nghiệp của Đà Nẵng cũng tỏ ra kém thế với các doanh nghiệp đến từ hai đầu đất nước. Trước đây, tại thành phố có Công ty Vận tải Đa phương thức Đà Nẵng hoạt động khá mạnh, thế nhưng công ty này đã chuyển sang lĩnh vực vận tải hàng siêu trường siêu trọng, vì vậy việc vận chuyển hàng hóa phần lớn do các doanh nghiệp ngoài thành phố đảm nhận. Hiện tại trên địa bàn thành phố chỉ có các doanh nghiệp như Minh Toàn, Tân Minh Toàn và gần đây có thêm Danalog tham gia vận chuyển hàng hóa đi và đến Cảng Đà Nẵng, thế nhưng tổng lượng hàng hóa vận chuyển do 3 doanh nghiệp này đảm nhận vẫn chiếm thị phần rất nhỏ, còn lại là do các doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Sia, đây là điều hết sức đáng tiếc, vì gần đây Cảng Đà Nẵng tổ chức khai thác thị trường đầy tiềm năng của các nước nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây. Điều này cũng có nghĩa nếu các doanh nghiệp vận tải đường bộ làm tốt công tác tiếp thị sẽ có được một thị trường rất lớn và lâu dài để khai thác. Trước mắt trong tháng 10 tới, khoảng 400 ngàn tấn than từ mỏ than Phonesac của Lào xuất ra nước ngoài sẽ đi qua Cảng Tiên Sa.
 
Còn trong tương lai gần, Cảng Đà Nẵng nỗ lực thương thảo với các đối tác của Lào để hàng hóa của Khu Công nghiệp Savan Seno và nguyên liệu cao su sẽ thông qua Cảng Tiên Sa để đi ra thị trường quốc tế. Như vậy, cùng với các mặt hàng truyền thống của Lào như gỗ, nông sản, có thể nói với việc khai thác thị trường này, các doanh nghiệp vận tải Đà Nẵng sẽ có nguồn hàng dồi dào và ổn định để vận chuyển. Mặc dù đầy triển vọng như vậy, thế nhưng đến nay, các doanh nghiệp vận tải Đà Nẵng vẫn chưa có động thái nào chủ động khai thác thị trường này.

Bài và ảnh: Trần Luân Sơn
;
.
.
.
.
.