.

Khai thác tiềm năng văn hóa, du lịch

.
Mô tả ảnh.
 
“Nếu có chiến lược liên kết chặt chẽ, 7 tỉnh, thành duyên hải miền Trung sẽ phát triển ở tất cả lĩnh vực dựa trên tiềm năng của mình và quan hệ tương hỗ”, ông Nguyễn Đức Tuấn (ảnh), Giám đốc Đại diện Văn phòng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tại Đà Nẵng nhận định.
 
* P.V: Thưa ông, việc liên kết 7 tỉnh, thành duyên hải miền Trung sẽ tác động như thế nào đối với các địa phương này ở lĩnh vực phát triển văn hóa, du lịch? 

- Ông Nguyễn Đức Tuấn (N.Đ.T): Hội nhập là xu thế tất yếu, tạo động lực cho sự phát triển. Vì vậy, việc liên kết của 7 tỉnh, thành duyên hải miền Trung phù hợp với quy luật và dòng chảy phát triển, đồng thời trở thành quan điểm nhất quán trong sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền.

Miền Trung có những thế mạnh ở lĩnh vực VH-TT&DL. Văn hóa miền Trung đa dạng, đa sắc, góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và đã tạo dựng, khẳng định được bản sắc văn hóa của khu vực. Chúng ta có các Di sản Văn hóa thế giới: Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, và Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại là Nhã nhạc cung đình Huế. Vịnh Lăng Cô và Vịnh Nha Trang là 2 trong số 30 vịnh thuộc Câu lạc bộ vịnh biển đẹp nhất thế giới. Biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh… Miền Trung được thiên nhiên ban tặng quá nhiều ưu đãi nên nếu có sự liên kết chặt chẽ, bài bản, 7 tỉnh, thành miền Trung sẽ thúc đẩy phát triển không những về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, mà còn về văn hóa-du lịch. 

* P.V: Như vậy, cần phải có chiến lược liên kết như thế nào để 7 tỉnh, thành đều phát huy được những tiềm năng, thế mạnh đặc trưng của mình?

- Ông N.Đ.T: Tôi cho rằng, cần có một đề án tương đối hoàn chỉnh để các địa phương ký liên kết và phối hợp chặt chẽ, tránh hoạt động nửa vời. Năm 2011 là Năm Du lịch quốc gia Nam Trung Bộ do Phú Yên đăng cai với sự tham gia của 8 tỉnh, thành, từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Xét về du lịch, Phú Yên có thể kém hơn so với Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, nhưng từ năm 2011, tỉnh này bắt đầu thu hút du khách. Lượng khách du lịch đến Phú Yên trong năm nay có thể tăng từ 40 - 50% so với năm ngoái. Các tỉnh, thành khác cũng kết hợp và hỗ trợ cho Phú Yên bằng hàng loạt chương trình tạo điểm đến, tạo sức hút với du khách (Quảng Nam tổ chức Liên hoan Hợp xướng quốc tế - Việt Nam lần thứ nhất, Đà Nẵng tổ chức lễ hội pháo hoa, Quảng Ngãi với hội thi hoạt động thể thao các dân tộc miền núi, Bình Định có liên hoan nghệ thuật tuồng…). 

Đến năm 2012 sẽ có Năm Du lịch quốc gia Bắc Trung Bộ do Thừa Thiên-Huế đăng cai, liên kết các tỉnh từ Quảng Ngãi ra đến Thanh Hóa.

* P.V: Nhiều ý kiến cho rằng, cả nước có quá nhiều lễ hội, gây lãng phí. Thực hiện liên kết 7 tỉnh, thành duyên hải miền Trung có thể dẫn đến việc mỗi địa phương sẽ thúc đẩy hơn nữa các lễ hội chăng?

- Ông N.Đ.T: Việt Nam mỗi năm có gần 8.000 lễ hội. Một đất nước trải qua quá trình thấm đẫm máu và nước mắt qua hàng ngàn  năm lịch sử dựng nước và giữ nước thì con số lễ hội này không quá nhiều. Nguyên nhân do chúng ta cứ tham vọng nâng cấp nên nhiều lễ hội mang tính địa phương bị biến thành lễ hội của quốc gia. Hãy trả lễ hội của dân, của làng, xã, tộc họ về cho dân và các cơ quan chức năng chỉ tham gia hỗ trợ, định hướng, quản lý Nhà nước. Chẳng hạn, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) thật sự trang trọng và ý nghĩa nhưng có làm hao tốn tiền của Nhà nước đâu. Đây là lễ hội hoàn toàn do người dân tự tổ chức bằng tất cả tấm lòng thành và ngưỡng mộ những người hy sinh vì Tổ quốc.

* P.V: Đối với Đà Nẵng, việc liên kết sẽ tạo đà như thế nào để thành phố phát triển văn hóa, du lịch?
Mô tả ảnh.
Từ Đà Nẵng, du khách có thể đi tham quan Thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).                                                                                                                                                        Ảnh: T.PHƯƠNG

- Ông N.Đ.T: Nghị quyết 33/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã xác định thành phố này là trung tâm của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Vì thế, Đà Nẵng phải đi tiên phong trong lĩnh vực xây dựng, phát triển kinh tế và thu hút nhân tài, trước hết cho chính mình và sau đó trở thành động lực cho miền Trung-Tây Nguyên. Tôi cho rằng, Đà Nẵng đang có sức hút kỳ lạ đối với cả nước, từ những chương trình, chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc cho đến cảnh quan, môi trường sạch, đẹp. Tất nhiên, trong quan hệ tương hỗ, việc liên kết sẽ mang lại cho Đà Nẵng nhiều lợi ích. 

* P.V: Theo ông, Đà Nẵng có những tiềm năng gì về du lịch chưa được khai thác hết?

- Ông N.Đ.T: Đà Nẵng có nhiều điểm đến hấp dẫn, nhưng không có những sản phẩm đặc trưng, tạo dấu ấn riêng để níu chân du khách. Việc lưu khách được 3 ngày, 3 đêm là con số lý tưởng nhưng câu hỏi làm sao để đạt được điều này thì vẫn chưa được giải đáp. Cần có những sản phẩm du lịch về đêm, để du khách thưởng ngoạn, vui chơi, giải trí. Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cũng cần tham mưu với lãnh đạo thành phố về các thiết chế văn hóa.

Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng du lịch của Đà Nẵng chỉ mới được bóc trần ở bề nổi, chứ chưa thật sự đi vào chiều sâu. Bãi biển Đà Nẵng thật đẹp, có nhiều nhà hàng, quán ăn, nhưng các hoạt động phụ trợ khác để “lấy được tiền” của du khách vẫn thiếu. Không cần đi đâu xa, chúng ta có thể học tập có chọn lọc cách khai thác du lịch hiệu quả ở một số địa phương của những nước châu Á. Và tôi tin rằng, Đà Nẵng trong tương lai thật sự là điểm đến lý tưởng của du khách.

* P.V: Xin cảm ơn ông.

TÚ PHƯƠNG (thực hiện)
;
.
.
.
.
.