.

Loay hoay với lãi suất huy động

.

Lãi suất (LS) ngân hàng đang ở mức cao do cuộc đua ngầm vượt trần LS huy động 14%/năm của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp (DN) cần vốn để sản xuất kinh doanh, trong khi Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra là phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Mô tả ảnh.
Huy động tín dụng đã tăng chậm trong thời gian qua (Ảnh minh họa).

Mặt bằng vốn cho vay đang ở mốc cao đã làm khó nhiều DN, trong khi các NHTM lại “vướng” ở đầu vào và đang tìm nhiều cách lách để huy động vốn. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu có nên bỏ trần LS huy động vốn hay không? Và nếu có thì nên khống chế LS đầu ra thay vì giới hạn LS đầu vào như hiện nay. Đây cũng chính là ý kiến của hầu hết các DN khi được hỏi. Theo một số giám đốc DN, không nên áp trần LS huy động mà áp trần LS cho vay, sẽ hạn chế tình trạng LS cho vay quá cao. Mối quan tâm hàng đầu của DN hiện nay là bao giờ LS giảm và giảm như thế nào? Còn nới trần LS huy động thì chắc chắn LS cho vay sẽ tăng theo. Đến lúc đó, DN sẽ lâm vào tình trạng vay với LS cao trên 23%, thậm chí lên đến 26-27% như trước đây. 

 


Không chỉ có DN mà chính các ngân hàng cũng lên tiếng về trần LS huy động. Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, lãnh đạo NHNN và PTNT chi nhánh Đà Nẵng cũng đã kiến nghị với Thống đốc NHNN Việt Nam nên áp dụng cơ chế LS thỏa thuận nếu bỏ trần LS huy động. Vì hiện nay, hầu như tất cả các NHTM đều huy động vượt trần khiến cho các NHTM Nhà nước rất khó trong huy động vốn. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Khiên, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, các NHTM Nhà nước không thể cạnh tranh với các NHTMCP trong huy động vốn vì trên thực tế, các NHTMCP đều treo biển huy động 14%/năm nhưng thực tế thì không phải vậy. Có những ý kiến cho rằng, hiện trần LS huy động đang tạo ra sự khó khăn và các DN đang phải chịu mức LS vay cao. Nếu bỏ trần LS huy động, LS cho vay sẽ giảm vì có áp lực của quy luật cung cầu thị trường và áp lực từ cạnh tranh giữa các ngân hàng.

Vì vậy, trở lại với vấn đề, có nên bỏ trần LS huy động hay không vẫn là câu hỏi khó, bởi thực tế vài năm gần đây đã có những sự việc để hoài nghi. Đó là việc áp cơ chế trần LS cho vay trước đây, cụ thể là LS cho vay không được vượt quá 150% LS cơ bản. Cơ chế này khi triển khai có thời điểm dẫn đến nhiều loại phí phát sinh trong hoạt động tín dụng, gián tiếp đẩy LS cho vay vượt rào và gây nhiều khó khăn cho DN.

Cho nên, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ trần LS huy động. Nếu NHNN không thể bãi bỏ ngay trần LS huy động, ít nhất nên nâng dần nó lên cho sát với LS thực tế theo cung-cầu thị trường. Tốt nhất là thả nổi LS cho thị trường tự điều tiết… Tuy nhiên, đại diện NHNN cho rằng: Khi LS huy động chưa giảm được, các ngân hàng cần tăng cường tiết giảm chi phí, tăng thu từ dịch vụ để bù cho thu từ tín dụng, bớt lãi từ tín dụng để chia sẻ khó khăn với DN vay vốn. Còn cơ chế trần LS huy động, đó là một công cụ điều hành hiệu quả, được kiểm chứng qua gần 5 tháng thực thi. Khi cơ chế ra đời, nó ngăn chặn nguy cơ bùng phát một cuộc đua tăng LS huy động ở tầm cao. Vì vậy, muốn thay đổi cơ chế điều hành LS theo hướng tự do hóa phải trên cơ sở đánh giá một cách khoa học và thực tiễn các điều kiện kinh tế, thị trường tài chính - tiền tệ ở trong và ngoài nước, cũng như các rủi ro có thể xảy ra và các biện pháp xử lý.

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.