.
LUẬT BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Mua rau hành cũng được bảo vệ!

.

Tròn nửa tháng Luật Bảo vệ người tiêu dùng (BVNTD) đi vào cuộc sống, người tiêu dùng nói chung, các bà nội trợ nói riêng đã có thêm công cụ để bảo vệ quyền lợi trong vấn đề mua bán, sử dụng sản phẩm trên thị trường. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông LỮ BẰNG, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng thành phố Đà Nẵng về những ngày đầu thi hành Luật BVNTD.

Mô tả ảnh.
Từ nay người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn.

* P.V: Thưa ông, qua vài ngày triển khai Luật BVNTD, nhận thức về vấn đề đòi quyền lợi của NTD đã có sự thay đổi?

- Ông Lữ Bằng: Còn quá sớm để khẳng định mức độ thay đổi của NTD trong việc sử dụng Luật BVNTD, nhưng chỉ qua vài ngày đầu, chúng tôi nhận thấy NTD ý thức hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của bản thân thông qua các yêu cầu, thắc mắc, khiếu nại gửi đến Hội. Sau ngày 1-7, trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận trên 10 ý kiến phản hồi về dịch vụ, sản phẩm từ NTD trên địa bàn thành phố.

Con số này nhiều hơn thời điểm trước ngày Luật được chính thức áp dụng. Phạm vi khiếu nại của NTD cũng rộng hơn, không chỉ xoay quanh hàng giả, hàng nhái mà còn đề cập đến các hình thức gây rối, lừa dối trong tiếp thị… Từ chuyện mua phải bình lọc nước kém chất lượng, đến chai nước uống bị đóng cặn, NTD đã mạnh mẽ lên tiếng phản ánh với Hội.

* P.V: Với các trường hợp mua bán có hợp đồng, việc giải quyết quyền lợi có cơ sở rõ ràng. Nhưng những hình thức mua bán nhỏ lẻ hằng ngày, chỉ thông qua lời nói và tiền trao tay thì việc NTD đòi quyền lợi từ người cung cấp hàng hóa có gặp khó khăn không, thưa ông?

- Ông Lữ Bằng: Từ những nhà cung cấp điện, nước đến người buôn bán rau hành đều có các nghĩa vụ như nhau trước pháp luật. Tùy vào mô hình và đối tượng cung cấp dịch vụ mà có hay không có hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, với các hợp đồng dạng “nói miệng” thì lời nói của người bán lẻ cũng được coi là cơ sở để NTD khiếu kiện.

Vì thế, người cung cấp hàng hóa cần có trách nhiệm với phát ngôn của chính mình, phải bảo đảm đó là những thông tin chính xác. Trong quá trình sử dụng, NTD cảm thấy chất lượng sản phẩm không đúng với lời giới thiệu của người bán thì họ có quyền căn cứ vào đó đòi bồi thường.

* P.V: Muốn đòi quyền lợi, NTD cần làm gì và đến đâu, thưa ông?

- Ông Lữ Bằng: Chưa có thông tư và Nghị định hướng dẫn cụ thể kèm theo Luật BVNTD, nên trước mắt NTD hãy liên hệ với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng địa phương. Bước đầu, chúng tôi sẽ làm các thủ tục hòa giải. Với những vấn đề cần xác minh thông qua chỉ tiêu hóa lý hoặc giám định khác, chúng tôi sẽ chuyển cho cơ quan chức năng liên quan để đòi quyền lợi cho NTD.

Cần nói thêm rằng, NTD muốn được bảo đảm quyền lợi nhất thiết phải biết và nắm chắc luật pháp. Điều này cũng là cơ sở để chúng ta hướng đến một xã hội văn minh, tiến bộ hơn.

* P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

8  quyền của người tiêu dùng
1- Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
2- Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
3- Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
4- Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
5- Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
6- Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
7- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
8- Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.


THU HOA (thực hiện)

 

;
.
.
.
.
.