.

Mạnh hơn trong những chuyến ra khơi

.
Người xưa nói “Buôn có bạn, bán có phường” nhằm chỉ dạy những người cùng hội cùng thuyền phải biết liên kết với nhau tạo nên sức mạnh trong làm ăn. Đối với những người làm nghề đánh bắt hải sản trên biển, hoạt động của tổ, đội khai thác xa bờ  mang ý nghĩa tương trợ ấy.

Mô tả ảnh.
Tổ đội ra khơi. Ảnh: N.Cầu
 
Quận Thanh Khê có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ khá lớn. Trước yêu cầu thực tế, tổ khai thác hải sản được hình thành dựa trên nguyên tắc tự nguyện, nhằm phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các tổ viên trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Theo Phòng Kinh tế quận Thanh Khê, từ năm 2005-2011, đã có 20 tổ, đội với 84 tàu, tổng công suất 16.518 CV, bình quân đạt 196 CV/tàu. Quận phối hợp với các ngành chức năng của thành phố hỗ trợ hơn 40 máy thông tin liên lạc tầm xa cho 20 tổ khai thác xa bờ, đầu tư hơn 450 triệu đồng xây dựng đài thông tin liên lạc với các tàu trên biển. Bão số 1 năm 2007, đã có 27 chủ tàu bị thiệt hại nặng được hỗ trợ lãi suất để vay vốn nâng cấp, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ với tổng số tiền vay 4,4 tỷ đồng. Liên tục trong hai năm 2009, 2010, quận Thanh Khê đã hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ đi biển cho 60 thuyền viên tàu khai thác hải sản xa bờ và thành lập mô hình quản lý nghề cá gần bờ có sự tham gia của cộng đồng. Cũng trong thời gian này, 12 tổ thúng máy được thành lập nhằm tăng cường công tác quản lý nghề cá gần bờ gắn với công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Không chỉ vậy, các tổ hoạt động ven bờ được hỗ trợ 21 triệu đồng và trang bị 221 phao cứu sinh.

Mô tả ảnh.
Chuẩn bị phương tiện cho tàu ra khơi.  Ảnh: Xuân Duyên
 
Đánh giá về hiệu quả của mô hình tổ, đội này, ông Lương Văn Trúc, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho rằng, tình hình ngư trường trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn như thiên tai gây tổn thất nặng nề cho người đi biển, giá dầu và các loại thực phẩm tăng cao, ảnh hưởng đến việc ra khơi. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ về nhiều mặt của các cấp, các tổ khai thác hải sản khắc phục những khó khăn, tương trợ lẫn nhau và duy trì thời gian bám biển nên sản lượng khai thác và thu nhập của ngư dân tương đối ổn định. UBND quận đã chỉ đạo các phường ven biển như Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây phối hợp với Đồn Biên phòng 248 và các ngành chức năng thường xuyên hỗ trợ cho hoạt động tổ đội, tuyên truyền để ngư dân hiểu được tầm quan trọng cũng như lợi ích của chính họ khi tham gia tổ, đội. Ông Nguyễn Văn Tình (chủ tàu cá ĐNa 90163 TS) cho hay, trước đây những người đánh bắt xa bờ thường hoạt động riêng rẻ, gặp lúc xui xẻo do thiên tai, có khi trắng tay vì phương tiện làm ăn bị mất. Chạy vạy mua sắm lại thì nợ nần chồng nhất, cũng may nhờ tham gia tổ khai thác hải sản số 4, phường Xuân Hà mà ông đã được mượn 20 triệu đồng từ nguồn quỹ của các thành viên, các anh em trong tổ chia sẻ mới tiếp tục bám biển cho đến nay.

Thời gian qua, trên ngư trường xảy ra nhiều vụ việc, thế nhưng người đi biển không cảm thấy cô độc vì bên cạnh họ là những người bạn cùng nương tựa trong hoàn cảnh rủi ro. Đã có khá nhiều tổ, đội tham gia cứu hộ cứu nạn như trường hợp tàu của các ông Đào Ngọc Bé, Nguyễn Văn Dàng, Nguyễn Phú Hùng… giúp đỡ các thành viên trong tổ hoặc ngoài tổ bị nạn, gặp bão.

Có thể nói, mô hình tổ, đội khai thác hải sản của quận Thanh Khê trong những năm qua đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần vào việc duy trì hoạt động đánh bắt hải sản, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh-quốc phòng.

Duyên Anh
;
.
.
.
.
.