.

Nhiều ruộng bỏ hoang

.

Vụ hè thu năm nay, ngành nông nghiệp huyện Hòa Vang đề ra chỉ tiêu sản xuất 2.700-2.750ha lúa, thế nhưng chỉ gieo sạ 2.677ha, ít hơn vụ đông xuân 250ha, thấp nhất kể từ trước đến nay. Ông Lê Đình Ca, Phó phòng NN&PTNT huyện cho biết, do không có nước tưới nên 250ha này đành chấp nhận bỏ hoang, việc chuyển đổi sang trồng các loại cây khác rất khó khăn.

 

Mô tả ảnh.
Cánh đồng trước đây luôn xanh khoai, tốt lúa ở xã Hòa Sơn nay bị hoang hóa.

Hiện tại, chỉ hơn 1ha đang trồng đậu xanh do Sở NN&PTNT đầu tư. Được biết, địa phương nào cũng đều có phương án chống hạn, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã triển khai khá hiệu quả nhiều năm ở nhiều nơi. Điển hình như xã Hòa Bắc khó khăn về nước tưới nhất huyện nhưng vụ hè thu này canh tác 81ha, nhiều nhất trong chục năm trở lại đây, ruộng nào cũng xanh tốt nhờ triển khai kịp thời giải pháp tưới bằng hút nước ngầm tại chỗ. Hòa Bắc làm được, tại sao các xã khác không làm được? Chi phí cho khâu tưới đã có Nhà nước hỗ trợ đến nơi đến chốn.

 

Chúng tôi có dịp đến một số cánh đồng bỏ hoang. Người dân ở những nơi này cho biết, những cánh đồng đó trước đây vẫn canh tác lúa, vùng khô hạn quá thì chuyển sang trồng màu, chỉ một số ít diện tích bất đắc dĩ phải bỏ hoang hóa. Tại cánh đồng đầu thôn Đại La, xã Hòa Sơn (sát đường tránh Nam Hải Vân), trong khi cánh đồng khoảng 4ha sau vụ đông xuân còn nguyên gốc rạ, sát đó, vườn mè của bà Hồ Thị Cang ở thôn Phú Hạ xanh tốt.

Bà cho biết cánh đồng này thuộc địa phận thôn Đại La nhưng do người dân thôn Phú Hạ canh tác. “Ai bỏ hoang đâu mặc họ, riêng tôi, khu đất 3,5 sào này năm nào cũng sản xuất 3 vụ. Sau vụ lúa là đậu phụng, rồi đến khoai lang. Từ cuối năm ngoái đến nay đã thu 500kg đậu phụng, sắp tới thu hoạch mè chí ít cũng khoảng 100kg, còn rau lang thì nhiều lắm”, bà Cang cho hay. Tương tự, tại cánh đồng Hố Đều, Cây Xanh, Kiệt Nước của thôn Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, nhiều vạt khoai lang đã lên xanh, trong khi hàng chục thửa ruộng phía dưới bỏ hoang. Ông Lê Mận, cư dân trong thôn cho biết: “Trước đây, cánh đồng này lúa hè thu tốt lắm. Mấy năm gần đây do khai thác đá phía trên nước cạn kiệt, chuyển sang trồng khoai. Năm nay không thấy ai trồng gì cả, gia đình tôi cũng có 4 sào bỏ hoang”.  

Sự bị động trong khâu nước tưới ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất tại nhiều địa phương, trong đó đáng kể nhất là ở xã Hòa Ninh, nơi có 75ha/115ha đất canh tác bị bỏ hoang trong vụ hè thu này. Tại đây, các công trình thủy lợi đang triển khai dang dở, có lẽ còn lâu mới có nước cho đồng ruộng. Đồng Hóc Cát 7ha ở thôn 5, mặc dù được đầu tư 50 triệu đồng từ ngân sách huyện, đến nay ruộng đang khát khi 19 giếng đã khoan nhưng chưa có điện để chạy máy bơm. 5,5ha ở thôn Đông Sơn đang chờ đập Cây Xanh nâng cấp. Điều đáng nói ở đây, khi cả xã gần 5.000 nhân khẩu chỉ sản xuất 40ha lúa hè thu, khá nhiều cánh đồng không đến nỗi khô hạn, đủ điều kiện để trồng bắp, trồng khoai, nhưng không ai trồng cấy gì. Tại xã Hòa Nhơn, Hòa Sơn cũng vậy. Ít nhất mỗi xã có đến 30ha đang hoang hóa, trong khi người dân khá rảnh rỗi. 

Chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn huyện Hòa Vang sớm có giải pháp đưa số diện tích trên vào canh tác, đem lại thu nhập cho nông dân.

Bài và ảnh:  Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.