.

Nỗi khổ của chủ tàu cá

.

Để có những chuyến ra khơi, người chủ tàu cá phải lo cả trăm thứ, đến khi tàu cá vào bờ họ cũng nhọc nhằn tất tả suốt ngày...

Gồng mình “ôm tổn”

 

Mô tả ảnh.
Do thiếu “bạn”, nhiều tàu cá ở phường An Hải Tây không ra khơi được.


Nghề biển có nhiều rủi ro do thời tiết, ngư trường, mà chi phí cho một chuyến biển lại khá nhiều. Hiện nay, mỗi chuyến đánh bắt xa bờ (trong vòng 15 - 20 ngày), phí tổn hơn 100 triệu đồng. Nếu gặp bão, tàu phải chạy trở vào trú ẩn hoặc ra khơi mà đánh chẳng trúng luồng tôm, luồng cá thì chủ tàu phải “gồng mình ôm tổn”.

 

Nhiều chủ tàu ở quận Sơn Trà cho biết, đánh bắt thắng lợi thì còn dễ, còn đánh bắt mà không ra gì, chủ có cầm tay kéo lại, bạn cũng vùng mà bỏ đi. Sau mỗi chuyến biển, chủ tàu tất bật lo bảo dưỡng máy, sửa sang ngư cụ, chuẩn bị mọi thứ cho chuyến ra khơi tiếp theo.

Những năm gần đây, tàu cá Việt Nam còn bị tàu cá Trung Quốc đe dọa, uy hiếp, gây nhiều thiệt hại. Anh Đặng Nhành, ở tổ 31 phường An Hải Tây kể rằng: Tàu cá Trung Quốc rất lớn (từ 500 CV trở lên) và thường khai thác bằng lưới rê ba lớp. Họ đã xâm phạm ngư trường Việt Nam, lại còn ngang nhiên buộc tàu ta phải tránh khỏi luồng hàng hải khai thác của tàu họ. Đã có những tàu cá Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc tông, làm thiệt mạng ngư dân, còn chuyện lưới đánh cá bị tàu Trung Quốc cuốn rách thì xảy ra khá nhiều.

Không phải chuyến biển nào cũng “thắng”, mà có nhiều chuyến khai thác được ít và cũng lắm nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, như trường hợp ngày 23-8-2010, tàu cá của ông Trần Út ở phường Nại Hiên Đông bị bão đánh chìm, mất trắng về tài sản, may mà các thuyền viên đều thoát nạn. Từ người chủ một chiếc tàu, phút chốc trở thành tay trắng!

Thiếu người “đi bạn”

Những năm gần đây, người đi bạn (đi làm trên tàu cá) ngày càng khó kiếm, không chỉ tại Đà Nẵng mà  bạn ở các địa phương khác cũng “làm mình làm mẩy đủ trò”. Sự làm mình làm mẩy ấy có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân đầu tiên là do có nhiều công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đang cần lao động phổ thông. Chẳng hạn, công nhân chế biến tôm cá, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, làm công trong các trang trại... Những người đi bạn muốn tìm một chỗ làm trong các lĩnh vực này rất dễ dàng.

Chị Đặng Thị Bê, vợ chủ tàu Đặng Văn Mầy ở phường An Hải Tây bộc bạch:  Khi tàu ra khơi cũng như vào bờ, vợ chồng tôi phải “dỗ bạn như dỗ em”. Đánh bắt thắng lợi, chủ và bạn vui vẻ ăn chia sau khi đã trừ phí tổn. Bạn được chia tiền rồi, còn xin ứng trước tiền của chuyến sau với đủ các lý do: sửa nhà, mua xe, xây mộ, giỗ chạp, cưới hỏi... Không cho ứng thì sợ bạn nghĩ mình thiếu quan tâm, rồi đi tìm chủ khác, mà cho bạn ứng rồi thì rất dễ xảy ra chuyện “một đi không trở lại”.

Sau nhiều năm lao động cật lực, ông Huỳnh Văn Hộ ở tổ 26 phường An Hải Tây mới sắm được hai chiếc tàu lớn, làm nghề giã cào đôi, mỗi chuyến biển, bạn được chia từ 3-6 triệu đồng/người. Ấy vậy mà, tìm không ra bạn ở Đà Nẵng, phải ngược xuôi tìm kiếm ở các tỉnh khác. Hiện nay, ông đã yếu, không còn theo tàu ra khơi, trong khi các con trai cũng chẳng có ai theo nghề biển. Cả đôi tàu giao cho người con rể chỉ huy và gần 10 người đi bạn đều quê ở Quảng Ngãi.

Mỗi khi tàu về bến, ông Hộ khẩn trương lo liệu hậu cần để tàu sớm trở ra khơi, chứ không kéo dài ngày nằm bờ. Bởi theo ông, để bạn có vừa đủ thời gian lên phố chuyển tiền về gia đình qua đường bưu điện là tốt nhất. Nghỉ nhiều ngày trong bờ là tức khắc bạn sẽ xin về nhà, xin ứng tiền trước và rất dễ sinh ra những nguyên nhân khiến họ không trở lại tàu...

Bài và ảnh:  LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.