Kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) đang ít dần khiến cho hoạt động này trở nên khó khăn hơn và hiệu quả của việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sẽ giảm đi.
Kinh phí ít ỏi
Tại cuộc họp do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức ở Đà Nẵng năm vừa qua, các tỉnh, thành khu vực miền Trung-Tây Nguyên đồng loạt bày tỏ nỗi niềm về kinh phí chi cho hoạt động XTTM hiện nay quá ít. Trong năm 2009, khu vực miền Trung-Tây Nguyên chỉ có 4 địa phương dành trên 1 tỷ đồng, còn lại hầu hết dưới 1 tỷ đồng, cá biệt có tỉnh dưới 300 triệu đồng. Nguồn kinh phí địa phương eo hẹp đã vậy, các chương trình XTTM quốc gia còn khó khăn hơn. Thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại cho biết, kinh phí dành cho các chương trình XTTM trong năm 2011 bị cắt giảm đến 48% so với năm trước. Với tổng số tiền hỗ trợ 55 tỷ đồng bao gồm cả 3 khoản chi: XTTM định hướng xuất khẩu, XTTM thị trường trong nước và XTTM miền núi, biên giới và hải đảo, ảnh hưởng đến việc quảng bá, xuất khẩu của doanh nghiệp (DN). Từ đầu năm đến nay, Bộ Công thương đã nhận 272 đề án XTTM quốc gia với tổng kinh phí cần hỗ trợ 402 tỷ đồng của 72 DN trong cả nước. Do đó, đợt 1 chỉ có 7 đề án của 22 tổ chức XTTM và 16 địa phương được triển khai do nguồn kinh phí hạn hẹp. Đà Nẵng là một trong số những địa phương đang chờ đợi nguồn kinh phí đó, nhưng chưa biết có được hay không?
Theo Trung tâm TTXTTM thành phố Đà Nẵng, trong khi chờ đợi nguồn ngân sách từ Trung ương, trung tâm hiện vẫn sử dụng nguồn ngân sách của UBND thành phố để tổ chức các hoạt động xúc tiến như Phiên chợ công nhân; Đưa hàng Việt về nông thôn; Tuần lễ hàng Việt; tổ chức các hội thảo, tọa đàm; tư vấn thị trường hàng xuất khẩu; xúc tiến quảng bá hội chợ trong và ngoài nước…
Khó đem lại hiệu quả cao
Ông Bùi Xuân Lịch, Trưởng đại diện Cục XTTM tại Đà Nẵng cho rằng, do thiếu kinh phí nên các hoạt động XTTM còn đơn điệu, chỉ tập trung vào các hoạt động truyền thống như tổ chức hội chợ, đào tạo, thông tin, chưa có một chiến lược tổng thể về XTTM phù hợp. Năm 2010, trong 70 chương trình XTTM quốc gia được hỗ trợ kinh phí 86 tỷ đồng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên chỉ có hai chương trình hội chợ được hỗ trợ gần 3 tỷ đồng.
Ông Hứa Tự Anh, Giám đốc Trung tâm TTXTTM thành phố cho biết, với từng đó kinh phí mà phải dàn trải cho hết các chương trình quả thực quá sức. Muốn đem lại hiệu quả buộc phải tìm cách tự vận động kinh phí thông qua việc liên kết đồng hành cùng Hội Doanh nhân. Trong thời gian qua, dù không có ngân sách hỗ trợ, nhưng nhiều DN trên địa bàn vẫn đóng kinh phí tham gia các hoạt động như Acecook, BQ... “Cách đây 5 năm, khi tổ chức hội chợ, DN tham gia một gian hàng phải đóng 7,5 triệu đồng, đến nay một gian hàng nhà tổ chức cũng chỉ thu của DN số tiền từng đó. Nếu tính trượt giá thì số tiền trên không thấm vào đâu, nhưng không phải vì giá mà áp đặt DN. Với vai trò hỗ trợ DN lại phải đi “xin” kinh phí của DN để tổ chức thì thực là đáng ngại.”, ông Anh nói.
Đây cũng là nỗi niềm chung của các Trung tâm TTXTTM các địa phương trong cả nước trước bối cảnh DN cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trước những khó khăn này, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ cấp bổ sung 100 tỷ đồng để tạo nguồn hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, xuất khẩu do có rất nhiều đề án đạt yêu cầu đang chờ kinh phí.
Bài và ảnh: Duyên Anh